Tôi sinh ra trong gia đình mẹ là giáo viên dạy toán, còn ba là công nhân xây dựng. So với bạn bè cùng trang lứa, tôi sung sướng hơn chúng nó rất nhiều.
Ngày còn bé, tôi thích ba hơn mẹ. Vì ba tôi hiền, chẳng bao giờ đánh đòn tôi dù là đòn nhẹ nhất. Mẹ thì ngược lại, mẹ nghiêm khắc lắm. Mẹ hay dùng đòn roi để răn đe chị em tôi mỗi khi bị điểm kém. Những năm tháng tuổi thơ êm đềm trôi đi, sóng gió đến với gia đình tôi vào năm tôi học lớp 10. Và từ đó, mỗi dịp Tết đến, mẹ tôi bận bịu gấp đôi, gấp ba người khác. Mẹ lo phần của mẹ, lại lo cả phần ba. Bao mùa xuân đến rồi đi, một mình mẹ sắm hai vai để con cái được đủ đầy, hạnh phúc.
Cách đây 6 năm, cũng vào những ngày giáp Tết thế này, mẹ tôi đã ngã gục trong nước mắt và sự đau khổ tột cùng khi chuyện ba tôi ngoại tình với người đàn bà khác bị phát hiện và vỡ lở. Xung quanh đàm tiếu, “miệng lưỡi nhọn hơn chông mai nhọn”. Lúc ấy, tôi đã học lớp 10, em gái học lớp 8, đủ lớn để hiểu rõ mọi thứ. Gia đình tôi năm đó không có Tết.
Mẹ tôi gần như không thể đứng vững sau chuyện này, tôi hiểu mẹ tin và yêu ba nhiều quá, vậy mà… Còn tôi, hình tượng người ba của những năm tháng ấu thơ sụp đổ hoàn toàn, tôi trở nên hận ba của mình. Mẹ tôi ngọt nhạt bảo ba nghĩ kỹ quay về với gia đình nhưng ba quyết không chịu, bao người khuyên ba cũng bỏ ngoài tai bởi lý do duy nhất: ba muốn tìm người nối dõi, mẹ tôi đã không còn sinh nở được sau một tai nạn phải cắt bỏ buồng trứng.
Tôi học cấp 3, nhưng vì học trường chuyên trên thành phố nên tôi trọ lại ở ký túc và cuối tuần mới bắt xe về quê được. Tôi rất thương mẹ, nhưng càng thương tôi lại càng sợ. Tôi sợ những ngày về quê, khi vừa bước chân qua cánh cửa đã thấy mẹ tôi nằm mệt trên giường, nước mắt cứ tuôn rơi. Tôi sợ tiếng nấc của mẹ tôi trong nước mắt giàn giụa. Tôi sợ nhìn thấy dáng xiêu vẹo bước đi không vững của mẹ trong sự cố gắng ngày ngày lên lớp giảng dạy. Từ đó, ba tôi chẳng nói gì với mẹ con tôi, ba công khai đi lại cả hai bên. Những lúc ba về nhà, mẹ tôi vẫn cơm nước và giặt giũ cho ba. Nhưng mẹ tôi cũng chẳng nói lời nào, ba cũng không lay chuyển. Tôi ghét ba, tôi muốn ba cứ đi đi, đừng có xuất hiện trước mặt mẹ con tôi làm gì nữa, ba không xứng với tình yêu của mẹ, ba làm khổ mẹ.
Tôi nhiều lần khuyên mẹ ly hôn, muốn mẹ được giải thoát. Những lúc ấy mẹ lại khóc, mẹ muốn giữ cho chị em tôi đủ ba, đủ mẹ để khỏi bị chê cười. Tôi bật khóc nức nở khi nghe mẹ nói “Là con gái còn phải lấy chồng, không có ba thì mai này nhiều gia đình nề nếp, gia giáo họ sẽ lấy đó là lý do mà từ chối. Mẹ không muốn con gái mẹ khổ, mình mẹ khổ là đủ rồi”. Nhưng tôi nào muốn có ba trên danh nghĩa. Tôi đâu cần ba đi biệt tăm rồi thi thoảng ghé lại nhà như ban phước cho mẹ con tôi?. Nhà tôi vẫn vậy, yên ắng tiếng nói cười, mỗi lần ba về, bữa cơm cũng diễn ra trong tủi nghẹn. Nhưng hình như ba tôi không biết điều đó, ông vẫn thản nhiên, vẫn mặc kệ mẹ con tôi. Chẳng có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau tinh thần như thế.
Có lần uất ức quá, tôi lớn tiếng kêu ba đi đi, về nhà này làm gì?. Mẹ tôi chết lặng, hai bàn tay xiết chặt lại, đỏ ứ. Và rồi mẹ tát tôi “Ai sinh ra mày? Ai dạy mày hư đốn với ba mình? Con cái cho ăn học tử tế mà giờ…”. Tôi chạy lên tầng, vùi đầu vào chăn khóc không thành tiếng. Sau này, tôi mới hiểu ra tấm lòng người mẹ, tôi ân hận quá!
Chuyện đã 6 năm, thời gian qua mẹ chẳng có ngày vui trọn vẹn. 6 năm qua, ba tôi không gửi tiền về, mình mẹ tôi làm lụng vất vả nuôi hai chị em ăn học. 6 năm rồi chị em tôi ít khi được gọi tiếng ba, nhưng mẹ không khi nào để chúng tôi phải thiếu thốn tình cảm và sự chăm sóc. Em gái thi đại học, mẹ bắt xe bus từ quê lên thuê nhà trọ, đưa con đi thi, tìm nhà trọ cho con khi biết tin con đỗ. Hai con học trên Hà Nội, mẹ vượt qua nỗi cô đơn khi phải sống một mình ở nhà, nhiều khi tối dạy thêm về muộn lại chỉ ăn uống qua loa. 6 năm qua, mẹ tập làm quen với những công việc của đàn ông từ sửa bóng điện cháy, xây lại nhà vệ sinh, làm lại sàn tầng hai, không việc gì mẹ kêu khó.
Tôi đã lớn và có người yêu. Nhiều khi tôi không tin lắm vào đàn ông. Tôi sợ tin và yêu nhiều quá sẽ có ngày đau khổ như mẹ. Nhưng rồi chính mẹ lại là người khuyên tôi phải biết vững tin vào tình yêu. Bởi chính mẹ vẫn không ngừng tin và mong chờ một ngày ba tôi quay đầu lại với hạnh phúc gia đình, dẫu hy vọng đó là mong manh và có thể phải kéo dài suốt cuộc đời này.
Mấy ngày trước, khi về nghỉ cuối tuần, tôi đã lặng lẽ giấu nước mắt khi thấy mẹ đang xắn quần, xắn tay áo lem luốc đầy sơn. Mẹ tôi tự sơn lại nhà để đón năm mới. Mẹ dành tiền mua đệm cho chị em tôi nằm, mẹ vẫn trải chăn phía dưới. Tôi nhường mẹ giường có đệm, mẹ quyết không nằm. Mẹ ơi!
Cuộc thi "Mẹ mang xuân về" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với Công ty Unilever Việt Nam tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Bạn có thể viết về tình yêu với mẹ, ý tưởng thiết thực để cảm ơn người sinh thành... Chương trình diễn ra trong 3 tuần từ ngày 27/12/2013 đến 16/1/2014. Độc giả gửi bài tham gia tại đây. |
Lê Thị Hà Lan