Vừa bế cậu con trai út trên tay, vừa lựa bình cho con bú sữa, Hà Linh, 23 tuổi, Long Biên, Hà Nội, tranh thủ đảo mắt nhìn bé cả và bé giữa đang nằm ngoan trên giường. Hai con chưa ngủ say hẳn nên mắt vẫn còn lim dim, cái miệng nhóp nhép vì vừa ăn no.
Nhẹ nhàng đặt bé út đã díp mắt, căng bụng sữa xuống giường, Linh vỗ vỗ nhè nhẹ vào tay con rồi nhanh tay đắp chăn ngang bụng cho hai bé còn lại. Đến lúc này, bà mẹ trẻ mới có thời gian ngồi xuống nghỉ ngơi, tranh thủ gấp quần áo cho con rồi buộc vội mấy sợi tóc lòa xòa vương trên má.
Cứ khoảng ba tiếng một lần, Linh lại bắt đầu với một "cuộc chiến" mới, vệ sinh, cho con ăn, chơi rồi lại ru con ngủ. Hơn 3 tháng ngày ba bé ra đời là từng đấy ngày, hai vợ chồng cô tất bật xoay xở với lịch sinh hoạt bị đảo lộn hoàn toàn. Mỗi ngày cô chỉ có khoảng 4 tiếng để ngủ, da mặt nổi nhiều mụn bọc, nhưng Linh không quan tâm đến điều đó. Cô chỉ mong các con ăn ngủ tốt, để cả nhà yên tâm. Linh chia sẻ so với những áp lực cô phải chịu khi mang bầu, thì những khó khăn này chỉ là "chuyện nhỏ".
Linh tâm sự cô bị đa nang buồng trứng (nang nước), các bác sĩ từng nói cô rất khó có bầu. Mẹ cố gắng đưa cô đi chữa trị nhiều nơi nhưng tình hình không mấy khả quan. Cô cũng tâm sự điều này với bạn trai, anh Huy Hoàng, (sau này là chồng cô) và nhận được sự chia sẻ, đồng cảm của anh. "Nếu em không thể có con, chúng mình sẽ xin con nuôi", câu nói của người yêu khi đó khiến Linh cảm thấy yên lòng. Đám cưới của cả hai được tổ chức vào đầu năm nay.
Cô gái tốt nghiệp Học viện Ngoại giao khi ấy không hề nghĩ tới việc mình sẽ sinh con sớm, nhất là lại mang bầu tới 3 bé hoàn toàn tự nhiên, trong đó có một phôi đơn, và một phôi đôi.
Chưa kịp vui mừng vì có em bé, Linh lại nhận được lời khuyên của bác sĩ là nên giảm thiểu phôi thai vì giữ lại cả ba sẽ rất khó. Mang đa thai mẹ có thể gặp nhiều nguy cơ như sinh non, con dị tật, không phát triển đồng đều... Mang nỗi lo lắng này đi gặp thêm vài bác sĩ khác, Linh đều nhận được lời khuyên như vậy. Họ gợi ý cô nên bỏ một trong hai phôi.
Hành trình mang bầu, sinh con của Hà Linh
Cứ cách một tuần, cô lại đi siêu âm xem các bé phát triển ra sao. Mỗi lần cô lại nhận được tin không mong muốn như phôi thai đôi hai bé dễ bị dính nhau, hoặc bị truyền máu sang nhau, bé này hấp thụ hết của bé kia, có thể chỉ một bé phát triển hay phôi thai đơn thì nước ối ít quá, sợ em bé không được nuôi dưỡng khỏe mạnh... Tham khảo ý kiến của nhiều bác sĩ, biết được những gì mình phải đối mặt rất nguy hiểm, Linh vẫn không muốn bỏ bất kỳ phôi thai nào vì "khó khăn lắm con mới đến được với mình, tôi không nỡ bỏ bất kỳ ai".
Quyết tâm giữ lại con của đôi vợ chồng trẻ được tiếp sức khi họ đến gặp một bác sĩ đầu ngành sản. "Tôi bị bác sĩ mắng xơi xơi là tại sao giữ cả ba thế này, quá nguy hiểm cho cả mẹ và con. Bác nói thai ba thường chỉ đến tuần 20-22 là dễ sảy thai, động thai... Nhưng khi khám kỹ cho tôi, bác nói nếu giờ giảm thiểu, có thể tôi sẽ mất luôn cả ba vì hai phôi hiện giờ ở quá sát nhau, giảm cái này sẽ ảnh hưởng cái kia. Tất cả tùy tôi quyết định", Linh kể lại.
Sau nhiều đêm suy nghĩ đắn đo, với sự động viên của gia đình, Linh và chồng quyết tâm không giảm thiểu, giữ lại cả ba bé. Dù cả ngày bị những cơn ốm nghén hành hạ vật vã, suốt 3 tháng đầu chỉ ăn bánh mỳ, uống nước cầm hơi, sản phụ trẻ vẫn luôn giữ tâm trạng vui vẻ, uống thuốc bổ đều đặn. Cô không cho phép bản thân nghĩ tới việc con có thể gặp nguy cơ gì đó, không cho phép đầu óc nghĩ những chuyện không vui. Có lẽ vì vậy mà ba bé phát triển tốt, không có biến cố nào xảy ra.
Thương vợ vất vả, chồng Linh làm mọi thứ khiến cô cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Ban đêm chỉ cần cô gọi "chồng ơi chồng", là anh bật dậy cầm chân nắn nắn cho vợ khỏi chuột rút. Cô thèm ăn món gì anh cũng không ngại mua về, dù sáng sớm hay đêm tối. "Cứ mỗi lần tôi than thở em bầu xấu quá, anh lại an ủi tôi rằng vợ đẹp nhất trên đời, có bầu vẫn dễ thương... ", Linh nói. Gia đình hai bên đều tạo điều kiện, tẩm bổ để bà bầu có được sức khỏe và tâm trạng tốt nhất.
Khi mang bầu 5 tháng bụng của Linh đã phát triển rất nhanh, như người 7 tháng bình thường, chân tay bị rạn nứt hết cả. Qua đến tháng thứ 6, cô đi lại ì ạch, hay khó thở, tim đập nhanh... "Hai em nằm ngược một em nằm xuôi đạp liên tục không ngơi nghỉ ngày đêm, lúc trồi khu này lúc lồi khu kia, bụng tôi luôn trong tình trạng méo xẹo", Linh kể lại.
Nếu như các mẹ bầu khác, thai nhi càng lớn, mẹ càng dễ tăng cân nhất là phần đùi, tay chân nhưng Linh thì ngược lại. Từ tuần thứ 28 trở đi, cơ thể cô teo tóp lại, duy chỉ có phần bụng mỗi ngày to ra. Ai nhìn vào cũng nói "bụng nhìn như sắp rớt ra ngoài" hay "căng rạn như sắp bục"... Sợ vợ không chịu nổi, chồng Linh liên tục giục đi khám xem thế nào, xin bác sĩ mổ. Cô nhất quyết không vì cảm thấy vẫn chịu được, muốn để bé trong bụng thêm ngày nào tốt ngày đấy.
31 tuần 5 ngày, hai vợ chồng Linh dắt nhau vào viện vì nghi ngờ bị rỉ nước ối. Đến nơi, bác sĩ cho biết cô đã mở 2 phân nên làm thủ tục mổ cấp cứu ngay. Người nhà chưa ai vào kịp vì mọi thứ diễn ra nhanh quá. Một mình được đẩy vào phòng mổ, Linh nói cô "sợ toát mồ hôi, toàn thân run lẩy bẩy".
"Khi bác sĩ mổ bắt em bé đầu tiên, nước mắt tôi cứ thế trào ra. Tôi cười không ngừng, rồi vừa cười vừa khóc. Cứ cách hai phút sau một bé nữa lại chào đời. Thấy 3 em bé mặt đỏ gay gắt, bé tí tẹo được quấn trong chăn tôi cảm thấy hạnh phúc lắm, như kiểu mình vừa lập được đại công", Linh chia sẻ.
Ba bé ra đời đều có cân nặng 1,6 kg và được chuyển tới phòng chăm sóc đặc biệt sau sinh. Phải tới 10 ngày sau, bà mẹ trẻ mới được nhìn và bế các con. Lúc này, 10 kg khi mang bầu của Linh đã "ngót" xuống hết. Cô trở về với đúng mốc 48 kg thời con gái.
Những ngày mới sinh, Linh cố gắng ăn nhiều để có sữa cho con. Nhưng chỉ sau một tháng, cô bị mất sữa nên phải cho bé ăn sữa non bên ngoài, sau đó dần dần chuyển sang sữa bột. Ba bé ngoan ngoãn, chịu khó ăn nên tăng cân đều đặn. Hiện tại, gần 3 tháng rưỡi, các con đã nặng từ 5,2 tới 5,4 kg.
Nuôi ba con cùng lúc nên mọi thứ đều khá tốn kém. Linh kể cứ khoảng 2 ngày rưỡi là nhà cô đã hết một hộp sữa bột 800g, 3-4 ngày là hết một bịch bỉm 86 miếng... Khoảng hơn một tháng nay, gia đình cô mới thuê thêm hai người giúp việc để giúp cô chăm sóc các con. Dù vậy, mỗi khi con thức, cả hai vợ chồng vẫn xoay chóng mặt để chăm từng bé.
Chồng Linh những ngày đầu còn lúng túng, vụng về, không dám bế con, nay đã trở thành một ông bố thực thụ với tay nghề vững vàng. Anh có thể cùng lúc cho ba bé ăn, hai tay hai bình cho hai bé, và một chân giữ bình cho bé còn lại. Việc thay tã, quần áo cho các con ông bố trẻ đều rất thuần thục.
"Tôi đặt tên ba con là Hoàng Nam, Hoàng Khôi, Hoàng Quân, nhưng ở nhà vẫn chỉ gọi là bé cả, bé hai, bé út... Các bé tuy giống nhau nhưng cũng dễ phân biệt. Cậu cả thì hay ăn vạ, khóc nhè, bé hai háu đói lắm, chưa cho ăn kịp là khóc ngằn ngặt, còn bé út hay có cử chỉ đáng yêu. Cám ơn ông trời đã mang tới cho tôi 3 món quà đáng yêu đến vậy", Linh hạnh phúc nói về ba thiên thần nhỏ
Tuệ Minh