Cụ bà vốn sống một mình và bị ngã hồi tháng 6, khiến bà nằm liệt giường kể từ đó. Ban đầu, bà cố gắng lên kế hoạch với các con trai để họ chăm sóc mình, song phải nhờ đến tòa án do họ không đạt được đồng thuận.
Tòa án ở huyện Đào Nguyên, tỉnh Hồ Nam, ra phán quyết ba anh em phải thay phiên nhau chăm sóc người mẹ gần 80 tuổi, SCMP đưa tin ngày 12/12.
Phiên tòa được tổ chức tại nhà của cụ vì bà không thể di chuyển. "Dù mẹ có làm điều gì sai với các anh, các anh cũng không lớn lên nhờ uống sương", thẩm phán nói với ba người con, nhắc nhở họ về công nuôi dưỡng thuở nhỏ của bà. Ba anh em đã đồng ý theo phán quyết của tòa án và sẽ luân phiên chăm sóc mẹ.
Huyện Đào Nguyên ghi nhận một loạt trường hợp tương tự được đưa ra tòa trong vài năm qua, khi ngày càng nhiều người cao tuổi cho biết họ bị con cái bỏ rơi.
Cuối năm ngoái, một cặp vợ chồng ngoài 80 đã đưa 4 người con ra tòa vì từ chối phụng dưỡng cha mẹ. Họ yêu cầu mỗi người con chu cấp 300 nhân dân tệ (42 USD) một tháng, với tổng số tiền chưa bằng 1/2 mức chi tiêu trung bình trong huyện.
Trung Quốc ngày càng ghi nhận nhiều người cao tuổi bị cô lập, đặc biệt tại các vùng nông thôn. Vấn đề này trở thành nỗi lo nghiêm trọng đối với nhiều người, trong bối cảnh đô thị hóa, già hóa dân số nhanh chóng.
Số liệu chính thức cuối năm 2021 cho thấy Trung Quốc có 267 triệu người nằm trong nhóm tuổi từ 60 trở lên, tương đương gần 19% tổng dân số. Hơn 1/2 trong số này sống neo đơn bởi hầu hết con cái đã chuyển đến làm việc tại các thành phố.
Trước tình trạng này, giới chức Trung Quốc hồi tháng 7 năm ngoái đã quy định thăm hỏi các thành viên lớn tuổi trong gia đình là nghĩa vụ bắt buộc đối với người trưởng thành.
Đức Trung (Theo SCMP)