Tôi là nữ, làm nhân viên văn phòng với lương tháng gần 20 triệu đồng. Một mình nuôi con nhỏ, tôi có số tiền tích lũy hơn 500 triệu đồng.
Tôi chưa có kinh nghiệm kinh doanh nhưng rất muốn đầu tư hoặc kinh doanh để tăng thêm thu nhập mỗi tháng. Mua đất cũng không biết bắt đầu từ đâu, chứng khoán từng tham gia nhưng không thành công, thậm chí bị lỗ.
Tôi yêu hoa và ấp ủ có cửa hàng hoa cho riêng mình. Tuy nhiên, công việc văn phòng chiếm hết thời gian và tôi cũng không có kinh nghiệm kinh doanh. Bản thân đang cảm thấy khá rối ren, hy vọng nhận được lời khuyên của chuyên gia.
Vnthuthuy
Chuyên gia tư vấn:
Chắc hẳn là không chỉ riêng bạn, đây là mối quan tâm lớn của nhiều nhân viên văn phòng hoặc làm việc có nguồn thu nhập ổn định. Phần lớn đều loay hoay trong việc tìm hướng ra cho đầu tư, kinh doanh để tăng trưởng tài sản tốt hơn.
Riêng trường hợp của gia đình bạn, khi chỉ có một nguồn thu duy nhất, nhu cầu đầu tư an toàn và tăng trưởng ổn định cần được lưu ý. Tuy nhiên, trước khi tính đến việc đầu tư, bạn cần có cho mình những phương thức quản trị rủi ro.
Thứ nhất, mua bảo hiểm nhân thọ và các sản phẩm bổ trợ. Là trụ cột gia đình, bằng việc chuẩn bị cho mình một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, bạn đã chuyển giao rủi ro mất thu nhập toàn bộ hoặc một phần cho công ty bảo hiểm, khi bị tử vong, thương tật hay mắc bệnh hiểm nghèo. Mức phí bảo hiểm 5-8% thu nhập mỗi năm là phù hợp, để đảm bảo bạn có thể an tâm hơn trong cuộc sống và không bị áp lực đóng phí quá cao.
Thứ hai, lập quỹ dự phòng khẩn cấp. Với thu nhập bình quân 20 triệu đồng mỗi tháng và có một người phụ thuộc là con, bạn nên phân bổ như sau: tiết kiệm ít nhất 10-20% thu nhập, dự kiến ở mức 3 triệu đồng mỗi tháng; chi phí hưởng thụ ở mức 10% thu nhập, tương ứng 2 triệu đồng mỗi tháng; chi phí thiết yếu, đã bao gồm phí bảo hiểm, khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng.
Từ khoản tiền 500 triệu đồng hiện có, bạn trích ra 50 triệu để lập quỹ dự phòng. Bạn nên chia ra vài khoản nhỏ, gửi tiết kiệm một tháng. Khi cần thiết sẽ có ngay nguồn dự phòng để chi tiêu trong trường hợp khẩn cấp.
Về đầu tư, danh mục của bạn cần đảm bảo đạt các yếu tố sau: đa dạng sản phẩm đầu tư, từ đó tối ưu hiệu suất lợi nhuận; đảm bảo tính thanh khoản, khi cần thiết có thể quy đổi khoản đầu tư sang tiền mà vẫn đảm bảo toàn giá trị; có phương án quản trị rủi ro.
Trước khi chọn sản phẩm đầu tư, bạn cần xem xét các mục tiêu ngắn, trung và dài hạn của mình. Với những mục tiêu ngắn hạn cần chi tiêu trong tương lai, bạn cần đầu tư an toàn, như gửi tiết kiệm với lãi suất tốt ở các ngân hàng. Khoản vốn dành cho đầu tư dài hạn cần xác định rõ, tránh thanh lý tài sản sớm hơn dự tính, tại điểm rơi về giá trị sẽ không đạt hiệu quả về hiệu suất đầu tư.
Bạn có thể tham khảo hai sản phẩm đầu tư có tính dài hạn gồm bất động sản và chứng khoán.
Về bất động sản, bạn nên dành một khoản vốn để đầu tư vào kênh này vì chúng thường neo giữ giá trị tốt, miễn mua đúng giá trị. Việc định giá và chọn đúng khu vực có tiềm năng tăng trưởng rất quan trọng. Bạn nên tìm đến các dịch vụ tư vấn uy tín để nhận được lời khuyên giá trị.
Các khu vực vùng ven hoặc lân cận các thành phố lớn vẫn luôn có những bất động sản nằm ở mức giá thấp, phù hợp với nguồn vốn hiện có của bạn và khả năng tăng trưởng lợi nhuận tốt. Bạn có thể tham khảo các khu vực ở Đồng Nai, Bình Dương, Đăk Lăk, Cam Ranh, Phú Yên, Mỹ Đức, Đông Anh đang có các sản phẩm dưới 300 triệu đồng.
Với nguồn thặng dư ổn định 3 triệu mỗi tháng, bạn có thể cân nhắc sử dụng đòn bẩy tài chính khi lãi suất về vùng ổn định, nhằm gia tăng cơ hội tăng trưởng tài sản. Tôi ví dụ khoản vay 100 triệu đồng, lãi suất 8,5% mỗi năm, thời hạn 15 năm, mỗi tháng bạn phải trả trung bình 1,2-1,3 triệu đồng, nằm trong phạm vi an toàn.
Về chứng khoán, với hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm cũng như thời gian, bạn nên chọn một trong hai phương thức đầu tư sau: mua chứng chỉ quỹ tại các quỹ đầu tư lớn và có uy tín về năng lực quản lý quỹ; hoặc đầu tư tích sản cổ phiếu bằng cách mua đều đặn một vài mã chứng khoán đã chọn lọc.
Bạn có thể tìm hiểu hai phương thức đầu tư này từ nhiều kênh khác nhau, hoặc có thể sử dụng dịch vụ tư vấn chứng khoán uy tín để có thể hạn chế rủi ro thua lỗ. Bạn cần xem xét chu kỳ kinh tế để chọn lựa thời điểm mua - bán phù hợp. Khẩu vị rủi ro và kinh nghiệm đầu tư cũng nên tính đến khi chọn lựa sản phẩm. Ngoài ra, bạn cũng nên dành một tỷ trọng nhỏ nguồn vốn, từ 5-10% cho tiền gửi tiết kiệm để đảm bảo thanh khoản cho danh mục đầu tư.
Đối với kế hoạch kinh doanh cửa hàng hoa, bạn cần xem xét và đánh giá các yếu tố sau.
Thứ nhất, công việc văn phòng chiếm hết thời gian và bạn cũng không có kinh nghiệm kinh doanh. Vậy khi mở cửa hàng hoa, ai sẽ là người quản lý? Bạn có thể gọi vốn hay có đối tác cùng kinh doanh không? Theo tôi, việc tìm kiếm một đối tác kinh doanh có cùng sở thích, có thời gian và kinh nghiệm là điều không dễ.
Thứ hai, bạn cần có một kế hoạch kinh doanh cụ thể, chi tiết về vốn ban đầu, vốn lưu động cho cửa hàng hoạt động, nguồn vốn dự phòng cho trường hợp lỗ trong 3-6 tháng; dự kiến nguồn khách hàng, doanh thu và chi phí, kế hoạch marketing cũng cần được lưu ý. Chắc chắn, bạn cũng cần có kiến thức quản lý tài chính.
Ngoài ra, các phương án quản trị rủi ro đối với cửa hàng hoa cũng cần được thiết lập. Hoa là sản phẩm có hạn sử dụng ngắn và mang tính mùa vụ nên cần được tính toán cách thức xử lý phù hợp. Kế hoạch cắt lỗ cũng nên được cân nhắc. Bạn cần dự tính trước sẽ chấm dứt hoạt động khi khoản lỗ vượt quá mức dự kiến hay sẽ vay mượn thêm để chờ kinh doanh khởi sắc.
Cuối cùng, bạn đang là nguồn thu nhập chính của gia đình, tài sản tích lũy chưa đủ nhiều. Bạn có tin tưởng ở kế hoạch kinh doanh và năng lực bản thân để nghỉ việc và kinh doanh shop hoa không? Trường hợp kinh doanh có khả năng mang lại lợi nhuận, bạn nên so sánh giữa lợi nhuận và rủi ro của kinh doanh với đầu tư để chọn lựa hình thức phù hợp nhất cho tình hình tài chính và khẩu vị rủi ro của mình.
Trần Thị Mai Hân
Chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân
Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT