Dáng vẻ gầy gò, chân phù thũng vì đợt chạy thận kéo dài, anh Trần Quốc Đạt (quận Bình Tân, TP HCM) như già hơn so với tuổi 30. Suy tim từ nhỏ, cuối năm ngoái anh xanh xao nôn ói, bác sĩ xác định bị suy thận mãn tính thời kỳ cuối. Một tháng anh phải 12 lần chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống. Mỗi lần chạy thận, anh tự mình chạy xe từ Bình Tân qua Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương tại quận 10.
“Ca chạy thận của tôi từ chiều đến đến khuya. Nhiều lúc xong ra khỏi phòng là choáng váng, xây xẩm nên ngủ qua đêm tại ghế đá bệnh viện luôn, đợi sáng khỏe lại mới về được”, Đạt tâm sự.
Từ lúc con trai lâm bệnh, con dâu bỏ đi xa, một tay bà Xuân chăm lo cho hai cháu nội. Đứa lớn đang học lớp 4, đứa nhỏ vừa hơn 3 tuổi. Quê ở Chợ Mới, An Giang, lên Sài Gòn lập nghiệp ngót ngét 25 năm, bà vẫn chưa thoát khỏi kiếp nhà thuê mướn tạm bợ. Chồng bà làm nghề chạy xe ôm với thu nhập ba cọc ba đồng. Bốn năm nay, bà vào làm bảo mẫu tại mái ấm Hoa Mẫu Đơn, chăm sóc những mảnh đời trẻ em mồ côi, bất hạnh.
Đau dạ dày, thần kinh tọa, vóc dáng bà Xuân gầy gò, nhỏ thó. “Nhà nghèo, tôi chỉ mong chạy thận cho con ngày nào hay ngày đấy, sống đến đâu hay đến đó. Tôi cũng chẳng dám hỏi bác sĩ con liệu có khỏe mạnh trở lại hay không”, bà Xuân tâm sự.
Không có điều kiện ăn học đến nơi đến chốn, trước khi mắc bệnh Đạt làm nghề may vá mũ nón kiếm tiền. Từ khi lâm bệnh, sức khỏe suy kiệt dần, anh phụ công việc làm hạt nhựa để kiếm tiền lo cơm nước hàng ngày.
"Đáng lẽ thanh niên trai tráng phải nuôi bố mẹ già mà đằng này lại trở thành gánh nặng, không biết đến tương lai", Đạt buông tay bất lực.
Lê Phương