Tạp chí Time dự đoán 7 chiến lược mà McCain có thể sử dụng nhằm đánh bại Obama.
Thượng nghị sĩ John McCain. Ảnh: Time.
Mục tiêu thứ nhất: Biến Obama trở thành một Đấng cứu thế Sai lầm. McCain bắt đầu bài ca này lần đầu tiên là vào đêm trước cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa ở bang Virginia và Maryland. "Tôi không muốn giành ghế tổng thống nhờ giả định rằng bản thân được ban tặng những khả năng vĩ đại để cứu đất nước trong lúc cấp thiết", McCain tuyên bố.
Người ta không cần phải động não quá nhiều để giải được mật mã này. McCain gọi Obama là một nhà tiên tri không toàn vẹn mà hình ảnh được xây dựng từ khả năng hùng biện và sức hấp dẫn cá nhân. Kể từ sau phát ngôn của McCain, cố vấn của ông không ngớt công kích Obama. "Tài hùng biện ư?", Steve Schmidt, một phát ngôn viên của McCain giễu cợt. "Thật vớ vẩn".
Và chuyện này sẽ không chấm dứt. Phe của McCain tin rằng làm xấu đi hình tượng của Obama có thể đưa đảng Cộng hòa vào Nhà Trắng.
Thứ hai: Cộng tác, giành sự ưu ái của báo giới. Việc McCain sẵn lòng làm việc với báo chí trở thành huyền thoại trong cuộc tranh cử. "Ông là ứng viên được báo chí ưu ái nhất trong lịch sử", Rich Davis, người đứng đầu ban tranh cử của thượng nghị sĩ 71 tuổi, cho biết.
Thời gian gần đây, phe của McCain khởi động lại chương trình tiếp xúc trực tiếp với phóng viên. Theo đó, một nhóm ba, bốn cây bút được phép đi cùng với thượng nghị sĩ trong máy bay hay trên xe buýt để phỏng vấn cởi mở. Chương trình này cũng có điểm bất lợi. Tháng 12 năm ngoái, ông từng gây xôn xao sau cuộc nói chuyện mở thế này vì thú nhận không am hiểu mấy về kinh tế.
Tuy thế, ban vận động của McCain cho rằng chương trình này đáng để ứng viên của họ mạo hiểm, vì nhờ đó ông sẽ giành được sự thông cảm, ngưỡng mộ của giới truyền thông, cái mà họ gọi là PR miễn phí. Trái lại, nó sẽ khiến Obama trở nên xa cách. Không những thế, cố vấn của McCain Mark Salter lại chơi "tiểu xảo" bằng việc thường xuyên chỉ trích báo giới đã tạo ra hàng rào bảo vệ quanh Obama.
Thứ ba: Tiếp xúc dân chúng và buộc Obama phải làm theo. Phần tiếp theo của chiến dịch PR miễn phí là chiến lược lấy lòng dân. Một trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của McCain đến từ các cuộc tranh luận trực tiếp với đám đông. "Ông ấy vận động tranh cử rất tự nhiên khi gần gũi với công chúng", một cố vấn báo chí của thượng nghị sĩ nhận định.
Năm 2004, khi George Bush phát biểu trước dân chúng, đám đông luôn được đảm bảo chỉ bao gồm những người thuộc phe Cộng hòa. Trái lại, McCain lại thực hiện một chiến lược khác hẳn. Ông tiếp nhận các câu hỏi ở những nơi không mấy thân thiện với đảng Cộng hòa như New Orleans. Năm nay, ông sẽ tiếp tục vận dụng mô hình này. Trợ lý của McCain thậm chí còn hy vọng đưa Obama ra khỏi bục thuyết trình và cùng tranh luận với ứng viên của họ trước bàn dân thiên hạ. Obama tỏ ý sẵn lòng chấp nhận đề nghị này.
Thứ 4: Khẳng định luôn chơi đẹp nhưng không bỏ trò tiểu xảo. McCain lúc nào cũng tìm được lý do để nói rằng ông muốn chơi đẹp. Lập trường này tỏ ra không đáng tin nhất là sau khi McCain phát ra những lời cay độc về Mitt Romney, rằng đối thủ cũ này định lên chương trình rút quân khỏi Iraq dù Romney không hề có tuyên bố nào như thế.
Gần đây, McCain cũng không hề tỏ ra ý định sẵn lòng bỏ kiểu chính trị này. Ông liên tục nói rằng một phát ngôn viên của phong trào Hamas nhận định tích cực về Obama. Thượng nghị sĩ cũng không quên bêu xấu Obama vì rắc rối với nhà hoạt động phản chiến William Ayers. Obama cũng không phải tay vừa. Thượng nghị sĩ Dân chủ liên tục dẫn sai lời McCain rằng chính trị gia lão luyện muốn giữ quân ở Iraq trong 100 năm.
Thứ 5: Chọn một phó tổng thống trẻ để làm dịu lo ngại về tuổi tác. Các cuộc trưng cầu đều cho thấy tuổi tác của ứng viên đảng Cộng hòa sẽ có ảnh hưởng tới quan điểm của cử trị. Ông sẽ tròn 72 tuổi vào đúng ngày tổng tuyển cử. Do đó, McCain và các cố vấn đều hướng tới một mục tiêu, giúp trung hòa vấn đề này: chỉ định một ứng viên phó tổng thống trẻ, làm giảm nỗi lo của cử tri trong trường hợp ông qua đời khi còn đương nhiệm.
Cố vấn tranh cử Charlie Black cũng nhắc tới chuyện Ronald Reagan chạy đua vào tuổi 69. "Cái ngày ông ấy chọn George Bush làm phó tổng thống, chuyện tuổi tác không còn là vấn đề nữa", Black nhấn mạnh.
Thứ 6: Lấy lòng cử tri Dân chủ truyền thống. Phe Cộng hòa thường nhắc tới khối lượng lớn cử tri Dân chủ muốn bầu cho McCain, dựa trên số liệu của một cuộc trưng cầu. Cuộc thăm dò hồi tháng 2 của Pew cho thấy, 14% cử tri Dân chủ cho hay họ sẽ bầu cho McCain so với 8% những người Cộng hòa dành phiếu cho Obama.
Con số này không có mấy ý nghĩa trong thời điểm còn nhiều tháng nữa mới tới tổng tuyển cử. Tuy vậy, chúng giúp phe McCain đặt ra một mục tiêu mới: tạo ra một thế hệ cử tri gọi là McCain-o-Crats (tạm dịch: những người Dân chủ theo McCain).
Chiến dịch này vừa mang tính tấn công, vừa phòng thủ, nhất là khi tính tới khoảng cách lớn giữa cử tri đã đăng ký của hai đảng. Cũng theo thăm dò của Pew, 35% cử tri ủng hộ phe Dân chủ trong khi phe Cộng hòa chỉ có 27% - mức thấp nhất trong 16 năm. Phe McCain hy vọng những rắc rối gần đây của Obama với người Dân chủ thuộc tầng lớp lao động sẽ khiến họ thu lợi.
Cuối cùng, tận dụng ưu thế vốn có của đảng. Chênh lệch về tài chính giữa McCain và Obama được thể hiện rõ trong tháng 3. Ứng viên của Cộng hòa kêu gọi được sự giúp đỡ của 24 nhà tài trợ, với số tiền lên tới 15 triệu USD. Trong khi đó, Obama thu về 40 triệu USD với chỉ 6 nhà tài trợ. Phần lớn số tiền của thượng nghị sĩ Dân chủ sẽ dành cho chiến dịch thuyết phục cử tri đi đăng ký và bỏ phiếu.
Phe của McCain hy vọng sẽ xóa được khoảng cách với Obama bằng việc tận dụng ưu thế của đảng. Đảng Cộng hòa vốn rất hiệu quả trong chiến dịch thuyết phục cử tri đi bỏ phiếu cho ứng viên của họ.
Kết quả là, họ gõ cửa từng cử tri giàu có, khuyến khích họ ủng hộ McCain tối đa 70.000 USD. Dự kiến, ông sẽ nhận được khoảng 84 triệu USD để tiếp tục cuộc đua trong hai tháng cuối cùng. Với hồ sơ cử tri nắm chắc trong tay, phe Cộng hòa hy vọng sẽ biến ưu thế tài chính của Obama thành chuyện dĩ vãng.
Hải Ninh lược dịch