Điểm đáng chú ý nhất của BT-50 thế hệ mới là không còn sử dụng động cơ dầu cũ với cấu hình 2.2 và 3.2 mà thay vào đó là động cơ dầu 1.9 cho ra công suất 148 mã lực và mô-men xoắn là 350 Nm. Đi cùng với đó là tùy chọn hệ dẫn động một hoặc hai cầu và hộp số tự động hoặc số sàn đều 6 cấp.
Sau khi ngừng sử dụng chung động cơ, khung gầm với mẫu Ford Ranger, BT-50 đang chia sẻ nền tảng cùng chiếc bán tải mới ra mắt của Isuzu là D-Max.
Các thông số cụ thể dài x rộng x cao của BT-50 mới là: 5.280x1.870x1.800 mm, chiều dài cơ sở 3.125 mm, ngắn hơn bản cũ 95 mm. Kích thước của thế hệ mới cũng nhỏ hơn thế hệ cũ về chiều dài là 85 mm, chiều cao cũng thấp hơn 21 mm nhưng chiều rộng lớn hơn 20 mm. Khoảng sáng gầm xe mới là 229 mm, giảm đi 8mm so với thế hệ cũ là 237 mm, nhưng khả năng nội nước giữ nguyên ở mức 800 mm.
Thiết kế cũng là một điểm nhấn mới của BT-50, nhưng theo chiều hướng gây tranh cãi. Nếu thế hệ trước sử dụng đường nét hơi tròn nhưng phóng khoáng mang chất bán tải, thì ở bản mới xe đắp lên mình ngôn ngữ thiết kế giống trên các dòng xe con Mazda3 hay CX-5 mới. Kiểu thiết kế này tập trung vào vuốt gọn gàng, sắc sảo các chi tiết, lưới tản nhiệt cũng mở rộng hơn, nhiều đường nét dứt khoát hơn, nhưng từ khi ra mắt thị trường thế giới năm ngoái, giới chuyên môn đã nhận xét kiểu thiết kế này không hợp cho bán tải. Việc một thân xe cồng kềnh, cần cơ bắp lại mặc chiếc áo "bó chẽn" không thực sự ăn nhập.
Phần đuôi xe, điểm nhấn là đèn hậu được làm gọn nhỏ và tinh tế hơn so với thế hệ cũ, đèn không còn bị lấn ra phần nắp đậy thùng xe - chi tiết bị chê nhiều ở phiên bản cũ.
Không gian nội thất cũng được thay đổi toàn bộ từ thiết kế cho tới vật liệu và trang bị. Thiết kế nội thất được làm nhiều được thẳng tablo được làm đứng và vuông vắn hơn thay vì cong như thế hệ cũ. Điểm nhấn trong nội thất đến từ vô-lăng khá thể theo, nhiều chi tiết được bọc da và có thêm màu ghế là nâu thay vì đen như thế hệ cũ.
Thiết kế nội thất của BT-50 mới mang màu sắc trẻ trung, hiện đại và có nét phố thị hơn so với các đối thủ cùng phân khúc. Tuy nhiên, nội thất này lại khiến BT-50 trở thành chiếc bán tải mang xu hướng thời trang nhiều hơn là sử dụng vào mục đích vận tải.
Về tiện nghi, phiên bản cao cấp nhất của BT-50 được bổ sung thêm nhiều trang bị như chìa khóa thông minh, khu vực bảng điều khiển trung tâm có màn hình digital 4,2 inch, màn hình giải trí mới 9 inch với tiện ích apple carplay không dây, công nghệ âm thanh vòm với 8 loa, điều hòa tự động hai vùng, ghế lái chỉnh điện 8 hướng, ghế với công nghệ động lực (tựa lưng phân bổ đồng đều áp lực để ôm lưng hơn) của mazda, tính năng lọc phấn hoa...
Các trang bị khác như đèn pha tự động, gạt mưa tự động, gương chiếu hậu chống chói tự động, kính lái có khả năng ngăn tia UV...
Về trang bị an toàn, bản cao cấp nhất có thêm cảnh báo điểm mù, cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi, 7 túi khí, phanh được nâng giúp cải thiện khả năng hấp thụ nhiệt cấp để tăng hiệu suất, khung gầm mới cũng giúp xe gia tăng độ cứng vững thêm 20%.
Với diện mạo mới, hàm lượng công nghệ tăng, BT-50 đang dần thay đổi, thay vì là một chiếc bán tải, những tiện nghi và trang bị gần giống một chiếc SUV. Các trang bị này tuy không quá nổi trội so với các đối thủ nhưng cũng giúp BT-50 gia tăng sức cạnh tranh với đổi thủ.
Bảng giá theo phiên bản của BT-50 mới:
Phiên bản | Giá bán | Giá cũ | Mức tăng |
AT Premium 4x4 | 849 | 749 | 100 |
AT Luxury 4x2 | 789 | 644 | 145 |
AT 4x2 | 709 | 614 | 95 |
MT 4x2 | 659 | 579 | 80 |
(Đơn vị: triệu đồng)
Như vậy giá của các phiên bản thế hệ mới đều cao hơn thế hệ cũ từ 80-100 triệu đồng. Mức giá này tương đương với D-Max (630-850 triệu đồng), Triton (600-865 triệu đồng), thấp hơn Ford Ranger (616-925 triệu đồng), Toyota Hilux (628-921 triệu đồng).
Trong phân khúc xe bán tải, rất nhiều mẫu xe đều cải tiến kiểu dáng, gia tăng hàm lượng công nghệ và giá bán ưu đãi hơn, nhưng Ranger vẫn là ông vua trong phân khúc này. Doanh số của BT-50 sau 7 tháng đầu năm chỉ đạt 698 xe, chưa bằng 1/10 doanh số Ranger trong cùng khoảng thời gian là 8.222 xe.
Đoàn Dũng