Tương tự bản cabin đơn từng xuất hiện hồi tháng 6 vừa qua, bản cabin đôi giá thấp của Isuzu D-Max cũng được nhập về Việt Nam với số lượng hạn chế. Một nguồn tin của hãng xác nhận, xe đang trong giai đoạn bán hàng thử nghiệm để ghi nhận phản ứng của khách hàng, vì thế không công bố rộng rãi. "Nếu mọi việc suôn sẻ và thị trường đón nhận tích cực, xe có thể phân phối số lượng lớn vào 2022, nhập Thái Lan", vị này nói.
Isuzu D-Max phiên bản này chủ yếu phục vụ kinh doanh, chở hàng hóa giá 499 triệu đồng, nhỉnh hơn bản cabin đơn 100 triệu, rẻ hơn bản thấp nhất của D-Max 2020 (bản MT) 130 triệu đồng. Theo một số tư vấn bán hàng, xe được bán lồng ghép ở đại lý và giới thiệu thêm cho khách chứ chưa có chương trình giới thiệu riêng.
Trong định hướng kinh doanh của Isuzu, hãng xem D-Max bản cabin đôi giá 499 triệu đồng là dòng bán tải thương mại (CV) vì muốn hướng đến nhóm khách sử dụng xe như phương tiện để thuần phục vụ công việc. Trong khi với tải trọng chuyên chở của xe là 680 kg, bản này của D-Max vẫn được xem là xe con (PC) theo quy chuẩn 41/2019 của Bộ GTVT.
Kích thước lọt lòng thùng (dài x rộng x cao) của D-Max (CV) là 1.510 x 1.590 x 465 mm, nhỉnh hơn đôi chút cho với bản thường (PC) 1.495 x 1.530 x 490. Về kích thước tổng thể, bản giá rẻ CV là 5.285 x 1.810 x 1.710 mm, trong khi bản PC là 5.265 x 1.870 x 1.785 mm. Bản CV dài hơn bản PC đôi chút, trong khi chiều rộng và cao ngược lại.
Isuzu D-Max (CV) sở hữu ngoại hình gần giống bản PC nhưng các trang bị được cắt giảm tối đa để giảm giá bán. Xe đi kèm la-zăng thép, đèn halogen. Bên trong khoang lái, xe không có hệ thống giải trí, khởi động bằng chìa khóa truyền thống, đồng hồ tốc độ analog kèm màn hình LCD cỡ nhỏ ở giữa.
Mẫu xe thiên hướng phục vụ kinh doanh, chở hàng lắp động cơ tương tự dòng D-Max (PC), loại máy dầu 1,9 lít, công suất 150 mã lực tại vòng tua máy 3.600 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 350 Nm tại 1.800 - 2.600 vòng/phút. Hộp số sàn đều 6 cấp, một cầu (sau).
Xe đi kèm các tính năng an toàn như ABS, hỗ trợ lực phanh khẩn cấp BA, phân bổ lực phanh EBD, hỗ trợ xuống dốc HDC. Số túi khí 2.
Các hãng Ford, Mitsubishi, Mazda, Nissan, Toyota đều có sản phẩm tham chiến tại Việt Nam nhưng phần lớn theo thiên hướng thiết kế xe con, ngoại hình trau chuốt, nhiều tiện nghi, công nghệ. Đây cũng là cách sử dụng xe phổ biến và thị hiếu ưa chuộng của người Việt, điều làm nên khác biệt với văn hóa sử dụng xe bán tải của người Thái. Trong khi đó, phân khúc xe bản tải giá rẻ, phục vụ kinh doanh giá dưới 500 triệu đồng chưa có hãng nào chú ý đến ngoại trừ Isuzu.
Isuzu là hãng có thị phần thấp nhất phân khúc bán tải tại Việt Nam. Điều này trái ngược hoàn toàn vị thế hàng đầu của Isuzu, bên cạnh Toyota tại Thái Lan. D-Max bản cabin đôi, trước đó là cabin đơn (CV) được xem là cách "tự mở đường" cho chính mình của hãng xe Nhật với tư cách tiên phong. Khi mảng xe bán tải (PC) gặp khó, bước đi này của Isuzu có thể mở ra một phân khúc mới (bán tải CV giá rẻ), tận dụng thế mạnh xe tải của chính Isuzu để tiếp cận nhóm khách hàng ưu tiên tính thực dụng, bền bỉ và chi phí đầu tư thấp.
Thành Nhạn
Ảnh: Khắc Hưng