Những vụ nổ đầu tiên diễn ra vào khoảng 15h45 (20h45 giờ Hà Nội). Làn sóng nổ sau đó kéo dài khoảng một giờ, diễn ra tại nhiều khu vực trên khắp Lebanon, đặc biệt là Dahiyeh, khu ngoại ô phía nam thủ đô Beirut được coi là thành trì của Hezbollah. Tình trạng này cũng xảy ra với máy nhắn tin của một số tay súng Hezbollah ở Syria.
Hiện chưa rõ các thiết bị được kích nổ như thế nào. Ba nguồn tin nói rằng các máy nhắn tin này là mẫu mới nhất mà Hezbollah sử dụng trong những tháng gần đây.
Bộ trưởng Y tế Lebanon Firas Abiad thông báo 8 người chết, một số nạn nhân là con của thành viên Hezbollah. 2.800 người bị thương, trong đó hơn 200 người bị thương nặng.
Hãng thông tấn Mehr của Iran đưa tin đại sứ Iran tại Lebanon Mojtaba Amani bị thương nhẹ. Nguồn tin cấp cao của Hezbollah nói thủ lĩnh Hassan Nasrallah không bị thương.
Bộ trưởng Thông tin Lebanon Ziad Makary cho biết chính phủ coi đây là "hành vi gây hấn của Israel". Hezbollah cũng ra tuyên bố cáo buộc Israel đứng sau sự việc, tuyên bố họ sẽ bị "trừng phạt thích đáng". Một quan chức Hezbollah nhận định đây là "sự cố an ninh lớn nhất" mà nhóm đối mặt sau gần một năm leo thang đụng độ với Israel.
Israel từ chối đưa ra bình luận.
Máy nhắn tin là thiết bị viễn thông không dây nhận và hiển thị tin nhắn văn bản hoặc phát tin nhắn thoại, một số có thêm chức năng gửi tin nhắn. Máy nhắn tin được phát triển vào những năm 1950-1960, phổ biến trong từ thập niên 1980 đến đầu những năm 2000 trước khi bị điện thoại di động thay thế.
Tuy nhiên, lực lượng an ninh và cứu hộ, cứu nạn một số quốc gia vẫn sử dụng máy nhắn tin do thiết bị có thể hoạt động với nhiều phương thức kết nối không dây, trong đó có vệ tinh, và trở nên đáng tin cậy hơn so với điện thoại di động trong một số tình huống thảm họa.
Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah đã yêu cầu thành viên của nhóm không mang theo điện thoại di động, vì lo ngại chúng bị Israel sử dụng để theo dõi chuyển động của họ và thực hiện các cuộc tấn công.
Chuyên gia quân sự Elijah Magnier cho biết Hezbollah phụ thuộc rất nhiều vào máy nhắn tin để tránh bị Israel chặn thu thông tin liên lạc. Ông nêu giả thuyết các thiết bị phát nổ đã bị can thiệp từ trước khi thành viên Hezbollah nhận chúng.
"Đây không phải là phương thức tấn công mới, nó từng được sử dụng", ông Magnier nói. "Có bên thứ ba tham gia, họ mở giao thức cho phép kích hoạt vụ nổ từ xa", Magnier nói.
Lực lượng Hezbollah từ đầu tháng 10/2023 nhiều lần phóng tên lửa và thiết bị bay không người lái (drone) vào Israel, tuyên bố đây là động thái bày tỏ đoàn kết với nhóm vũ trang Hamas ở Dải Gaza. Quân đội Israel đáp trả lại các vụ tập kích này và hạ sát nhiều thành viên Hezbollah, trong đó có một số chỉ huy cấp cao.
Giới chức Mỹ cảnh báo xung đột toàn diện giữa Hezbollah và Israel "có thể gây ra hậu quả thảm khốc không thể lường trước", nguy cơ khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và gây ra thiệt hại nặng nề cho hạ tầng của cả Israel lẫn Lebanon.
Nguyễn Tiến (Theo AFP, AP, Reuters)