Máy "cá đuối" là tên gọi chung của dạng thiết bị giám sát điện tử bằng cách mô phỏng cột tín hiệu di động. Tên gọi này xuất phát từ tên của mẫu thiết bị mô phỏng cột tín hiệu do một công ty có trụ sở tại bang Florida sản xuất.
Máy "cá đuối" thông thường có kích thước bằng chiếc valy để đặt trên ôtô, hoặc nhỏ bằng thiết bị cầm tay. Giá cho những thiết bị này khá cao, tới hơn 157.000 USD.
Máy hoạt động theo nguyên lý: Kể cả khi không được dùng để thực hiện hoặc nhận cuộc gọi, điện thoại di động vẫn định kỳ tự động kết nối với cột tín hiệu gần nhất. Khi ấy, điện thoại cung cấp mã số định danh đặc trưng gắn liền với thẻ SIM, hay còn gọi số danh tính thuê bao di động quốc tế (IMSI) với tên, địa chỉ, và số điện thoại.
Dựa trên nguyên lý hoạt động này, máy "cá đuối" sẽ phát ra tín hiệu mạnh hơn các cột phát sóng lân cận để buộc điện thoại kết nối và để lộ số IMSI. Có được IMSI, nhà chức trách có thể phát hiện mọi điện thoại trong khu vực, sau đó xin lệnh khám để xác định danh tính chủ nhân của chiếc điện thoại khả nghi.
Cảnh sát cũng có thể biết được lịch sử kết nối với các cột tín hiệu gần đây để xác định quỹ đạo di chuyển của điện thoại. Nếu nhiều điện thoại cùng thu tín hiệu từ một số cột phát sóng, đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy chủ nhân của chúng có liên quan tới nhau.
Nếu biết danh tính chủ nhân của số IMSI nào đó, cảnh sát có thể dùng máy "cá đuối" để xác định điện thoại của nghi phạm có ở gần hay không. Cảnh sát cũng sẽ biết được vị trí cụ thể của chiếc điện thoại khả nghi dựa vào độ mạnh yếu của tín hiệu mà điện thoại nhận được từ máy.
Ví dụ, sau khi lái xe vòng quanh với máy "cá đuối" trên xe, cảnh sát có thể biết được khu vực mà nghi phạm đang ẩn náu rồi chuyển sang máy cầm tay với độ chính xác cao hơn. Tiếp tục đi bộ quanh khu dân cư, cảnh sát có thể tìm được văn phòng hoặc căn hộ có chiếc điện thoại khả nghi.
Bằng cách này, cảnh sát Mỹ từng bắt được nhiều nghi phạm. Ví dụ, năm 2008, FBI tóm được Daniel Rigmaiden, kẻ đánh cắp danh tính, trong lúc hắn lẩn trốn tại một căn hộ ở thành phố San Jose, bang California.
Nhưng khả năng của máy "cá đuối" không dừng lại ở đó. Nếu được cài đặt ở chế độ hoạt động thụ động, máy này còn có thể thu thập dữ liệu được truyền phát qua mạng thiết bị di động trong thời gian thực, bao gồm tin nhắn, thư điện tử, và cuộc gọi.
Máy "cá đuối" sở hữu tính năng mạnh mẽ nhưng việc lực lượng chấp pháp sử dụng thiết bị này vẫn là chủ đề gây tranh cãi tại Mỹ. Một số người phản đối cho rằng máy có thể bị lạm dụng để theo dõi người dân vô căn cứ. Ngoài ra, cảnh sát cũng bị cáo buộc không minh bạch thông tin về máy và không xin lệnh khám trước khi sử dụng.
Phản bác, lực lượng chức năng nói không dùng máy để chặn và thu thập nội dung giao tiếp giữa các điện thoại mà chỉ giám sát và định vị điện thoại.
Trước lo ngại của người dân, năm 2015, Bộ Tư pháp Mỹ ban hành chính sách mới yêu cầu đặc vụ liên bang phải xin lệnh khám trước khi dùng máy trong quá trình điều tra hình sự và chỉ được định vị hoặc ghi lại lịch sử cuộc gọi.
Theo đó, đặc vụ không được thu thập nội dung cuộc nói chuyện như tin nhắn và thư điện tử. Dữ liệu thu được từ điện thoại ngoài mục đích điều tra phải bị xóa trong vòng 24 tiếng hoặc 30 ngày, tùy trường hợp.
Quốc Đạt (Theo The Intercept)