Ngoài ra, hiện nay chưa có quy định cụ thể nào về giá thuê chỗ đỗ cho máy bay thuộc sở hữu người Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Đình Hùng, Giám đốc Công ty dịch vụ mặt đất sân bay Tân Sơn Nhất, trường hợp ông Đoàn Nguyên Đức mua máy bay riêng là lần đầu tiên ở Việt Nam, chưa có tiền lệ. Phí dịch vụ đậu máy bay ở Tân Sơn Nhất chỉ áp dụng với phi cơ nước ngoài, tính theo phương thức giờ và trọng tải cất cánh. Nếu trong 2 giờ đậu đầu tiên rồi bay ngay, chủ máy bay sẽ không mất phí.
Máy bay Beechcraft King Air 350. |
Chiếc Beechcraft King Air 350 của ông Đức khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất sẽ phải được Cơ quan tiêu chuẩn an toàn bay kiểm tra kỹ thuật. Nếu đạt yêu cầu về quy trình kỹ thuật, sửa chữa, mới được cấp các chứng chỉ an toàn và cất cánh lên không trung.
"Phi cơ tư nhân chỉ được hoạt động ở các vùng được bay, bị hạn chế ở vùng nguy hiểm do cơ quan quản lý vùng trời công bố và quản lý nghiêm ngặt", ông Võ Huy Cường nói. Ngoài việc bị cấm bay qua các khu vực liên quan đến an ninh quốc phòng, máy bay phải có giấy phép đặc biệt nếu muốn bay qua vùng trời có tổ chức lễ hội hay sự kiện được yêu cầu hạn chế
Luật hàng không Việt Nam cũng quy định rõ, máy bay tư nhân không được phép kinh doanh chở hàng hóa hay người để thu phí. Nhưng nếu cho các hãng hàng không khác thuê lại thì hãng thuê được quyền sử dụng vì mục đích kinh doanh.
Phó tổng giám đốc VietNam Airlines phụ trách đào tạo Nguyễn Thành Trung, cho biết, loại máy bay 2 cánh quạt 12 chỗ Beechcraft King Air 350 của ông Đức, chắc chắn không có khó khăn gì đối với phi công khi điều khiển trên vùng trời Việt Nam.
Theo ông Trung, khi cá nhân hay doanh nghiệp mua hoặc thuê một chiếc phi cơ thì bên bán sẽ "bao" toàn bộ gói đào tạo phi công và thợ máy. Như vậy, nhiều khả năng khi ông Đức mua Beechcraft King Air 350, phi công sẽ phải sang Mỹ (nơi xuất xứ của máy bay) học theo đúng tiêu chuẩn để có thể điều khiển được. Hiện Việt Nam chưa có chương trình đào tạo hoặc nếu muốn lái phi công phải qua khóa chuyển loại phù hợp cho loại máy bay này.
Giới kinh doanh hàng không dự báo, sự kiện ông Đức trở thành người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay riêng sẽ mở đầu một làn sóng sắm máy bay tư, mới trong nước.
Tổng giám đốc hãng hàng không giá rẻ Pacific Airlines Lương Hoài Nam tiết lộ, ông biết đang có 3-4 cá nhân đã lên kế hoạch mua máy bay cho riêng mình. Sắp tới, sẽ có nhiều máy bay tư nhân hơn ở Việt Nam.
Ông Nam khẳng định, việc mua máy bay tư nhân đã phổ biến nhiều nơi trên thế giới. Trung Quốc hiện đã có vài ba chục máy bay tư nhân, duy ở Việt Nam là một vấn đề mới. Lý do, việc mua máy bay riêng để phục vụ công việc làm ăn đòi hỏi doanh nghiệp phải có nhân sự sử dụng hợp lý và kinh tế. Vì vậy, tại Việt Nam trước nay chỉ phổ biến việc thuê nguyên chuyến bay của các hãng hàng không chứ chưa ai dám mạnh dạn sở hữu chuyên cơ.
Vì lần đầu tiên mua máy bay, ông Đức đã phải thân chinh sang Mỹ để làm thủ tục và dự kiến, chiếc Beechcraft King Air 350 của ông sẽ đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 14/5.
Beechcraft King Air 350, số seri FL-417 do Hãng RaytheonAircraft (Mỹ) sản xuất có 12 chỗ ngồi, trang bị động cơ Pratt & Whitney PT 6-60 A được xem là đáng tin cậy và có chất lượng, có thể chạy tốt với cự ly 3.300 feet, tiết kiệm nguồn nhiên liệu.
Tại điều 9, chương 1, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, máy bay thuộc sở hữu của công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam và của pháp nhân Việt Nam có trụ sở hoạt động chính tại Việt Nam được phép đăng ký tại Việt Nam. Điều 28, chương 1, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam xác nhận quyền sở hữu, chiếm hữu, thuê mua hoặc thuê có thời hạn đối với máy bay. Người sở hữu chuyên cơ phải tuân thủ các điều kiện về độ an toàn, bảo vệ môi trường, chứng chỉ bay… và tuân thủ các quy định của cảng hàng không nội địa |
Kiên Cường - Vũ Lê - Bạch Hường