Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết 7 máy bay Trung Quốc đại lục, gồm 2 tiêm kích hạng nhẹ J-10, 4 chiến đấu cơ hạng nặng J-11 và một trinh sát cơ Y-8, đã hoạt động ở tây nam vùng nhận diện phòng không (ADIZ), gần quần đảo Đông Sa do Đài Bắc kiểm soát hôm 31/1.
Lực lượng vũ trang hòn đảo cũng thông báo một trinh sát cơ Mỹ xuất hiện ở khu vực tây nam ADIZ cùng ngày, nhưng không công bố chủng loại và lộ trình chi tiết của máy bay Mỹ. Đây là lần đầu tiên Đài Loan nhắc đến sự hiện diện của phi cơ Mỹ kể từ khi công bố báo cáo hàng ngày về hoạt động của máy bay Trung Quốc đại lục trong ADIZ kể từ tháng 9/2020.
Đài Bắc hiếm khi đề cập công khai đến hoạt động quân sự của Washington quanh đảo Đài Loan, chủ yếu chỉ thông báo về những chuyến đi qua eo biển Đài Loan của tàu chiến Mỹ.
Các đợt áp sát đảo Đài Loan của máy bay quân sự Trung Quốc diễn ra cùng thời gian nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tiến vào Biển Đông để "thực hiện các chiến dịch thường kỳ" nhằm thúc đẩy "tự do hàng hải".
Nhiều oanh tạc cơ H-6 và tiêm kích Trung Quốc dường như đã sử dụng tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ làm mục tiêu giả định trong cuộc diễn tập ở tây nam ADIZ Đài Loan ngày 23/1. Quân đội Mỹ cho biết nhóm tàu Theodore Roosevelt luôn theo dõi chặt chẽ hoạt động của lực lượng Trung Quốc và khẳng định cuộc diễn tập không đe dọa các chiến hạm Mỹ, nhưng cũng chỉ trích hành động của Bắc Kinh là "hung hăng và gây căng thẳng".
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, tuyên bố có thể sử dụng vũ lực nếu cần. Quân đội Trung Quốc tổ chức nhiều cuộc diễn tập với khí tài tối tân ở eo biển Đài Loan, đồng thời gần như mỗi ngày đều cho máy bay quân sự áp sát hòn đảo.
Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc và chuyển sang công nhận chính sách "Một Trung Quốc" năm 1979, nhưng vẫn là đồng minh không chính thức và bên cung cấp vũ khí quan trọng nhất của Đài Loan.
Vũ Anh (Theo Reuters)