Chiếc Airbus A320 mang số hiệu PK 8303 của hãng Hàng không Quốc tế Pakistan (PIA) gặp nạn khi hạ cánh tại sân bay quốc tế Jinnah ở Karachi, miền nam Pakistan hôm 22/5, làm 97 người thiệt mạng và chỉ hai người sống sót.
"Phi công cũng như kiểm soát viên không lưu đã không tuân thủ quy trình tiêu chuẩn", Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Pakistan Ghulam Sarwar Khan hôm nay cho biết khi công bố báo cáo điều tra sơ bộ về thảm họa trước quốc hội.
Ông Khan cho biết cả hai phi công trên máy bay đều đang mải mê trò chuyện về đại dịch Covid-19 khi tìm cách hạ cánh chiếc Airbus A320 xuống sân bay Jinnah. "Cơ trưởng và cơ phó đều không tập trung và chủ đề xuyên suốt trong cuộc trò chuyện là về nCoV", ông Khan nói.
Ông cho hay dữ liệu từ hai hộp đen cho thấy máy bay không gặp bất cứ vấn đề nào về kỹ thuật. Tuy nhiên, trong lần hạ cánh thứ nhất, phi công đã giảm độ cao quá nhanh và duy trì vận tốc lớn, trong khi càng đáp không được thả ra, khiến máy bay quệt động cơ xuống đường băng. Kiểm soát viên không lưu cũng mắc lỗi khi cho phép phi cơ hạ cánh dù phát hiện vận tốc của nó cao hơn mức cho phép.
Sau lần hạ cánh bất thành thứ nhất, máy bay tiếp tục vọt lên và bay trên không trung suốt 17 phút để tìm cách hạ cánh lần hai. Trong thời gian này, cả hai động cơ của máy bay bị hỏng và ngừng hoạt động.
Phi công đã không thông báo cho tháp kiểm soát không lưu về việc càng đáp bị kẹt trước khi tìm cách hạ cánh lần hai. Báo cáo điều tra cũng cho rằng phi công đã phạm sai lầm khi cố hạ cánh, nhưng không nêu chi tiết.
Tai nạn của PK 8303 xảy ra vài ngày sau khi Pakistan nối lại các chuyến bay thương mại vốn bị dừng hoạt động vì lệnh hạn chế ngăn Covid-19. Nhiều hành khách có mặt trên chuyến bay đang trên đường đi nghỉ lễ Eid al-Fitr, lễ tôn giáo quan trọng của người Hồi giáo, đánh dấu kết thúc tháng ăn chay Ramadan. Đây cũng là tai nạn hàng không tồi tệ nhất ở Pakistan kể từ 2012, khi máy bay Boeing 737 của Bhoja Air rơi ở Islamabad, khiến 127 người thiệt mạng.
Các bằng chứng sơ bộ trước đó cũng cho rằng PK 8303 có thể gặp nạn do lỗi phi công không thả càng đáp khi cố hạ cánh, khiến động cơ bị mài xuống đường băng dẫn đến mất lực đẩy.
Dữ liệu về độ cao chuyến bay và nhân chứng cho biết máy bay đã vọt lên ngay sau khi chạm mặt đất. Một video do nhân chứng trên mặt đất quay lại cho thấy khi máy bay vọt lên, vệt xước màu đen có thể nhìn rõ dọc theo mặt dưới cả hai động cơ.
Kiểm soát viên không lưu đã yêu cầu phi công bay lên độ cao 914 mét, theo bản ghi âm, nhưng máy bay đã không thể duy trì độ cao này. Khi đó, phi công nói với kiểm soát viên không lưu rằng "chúng tôi đã mất động cơ" rồi phát tín hiệu khẩn cấp. Chiếc Airbus 320 chúc đầu lao xuống, phi công dường như cố tìm cách lấy lại độ cao nhưng không thành công.
PIA, hãng hàng không quốc gia Pakistan, gặp vấn đề tài chính nhiều năm nay. Từ năm 2006 tới nay, hãng đã mất ba máy bay trong các vụ tai nạn hàng không.
Mai Lâm (Theo AFP)