"Trên máy bay lúc đó có một nhóm chuyên gia tham gia thử nghiệm và đánh giá hệ thống. Không có ai bị thương trong sự cố. Chúng tôi chưa rõ con chim gây tai nạn thuộc loài nào", phát ngôn viên trung tâm tác chiến không quân hải quân Tim Boulay cho biết trong email gửi cho truyền thông Mỹ hôm 17/10.
Boulay nói động cơ của chiếc E-6B Mercury được thay thế và máy bay quay trở lại hoạt động sau vài tuần dừng bay. Chiếc E-6B Mercury hút phải chim thuộc biên chế phi đội kiểm tra và đánh giá không quân 20, đóng tại căn cứ không quân sông Patuxent.
Trung tâm An toàn Hải quân Mỹ đánh giá đây là tai nạn cấp A do gây ra thiệt hại hơn 2 triệu USD. Đây là sự cố hàng không đầu tiên của quân đội Mỹ sau khi năm tài khóa mới bắt đầu từ ngày 1/10.

Máy bay E-6B Mercury thuộc không đoàn liên lạc chiến lược 1 hạ cánh xuống căn cứ không quân Offutt, bang Nebraska, Mỹ ngày 15/7. Ảnh: US Navy.
Sự cố ngày 2/10 là một trong 5 vụ tai nạn hàng không của quân đội Mỹ liên quan đến chim trong thập kỷ qua, trong đó có một chiếc E-6B khác gặp sự cố năm 2018. Những chiếc máy bay khác bị hư hại vì đâm phải chim gồm một tiêm kích F-35B, một máy bay huấn luyện T-45C và một trực thăng tấn công AH-1W.
Hồi tháng 2, một chiếc E-6B Mercury bị gãy cánh đuôi do va vào nhà chứa khi được kéo ra ngoài sau quá trình bảo dưỡng. Một chiếc E-6B khác phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay quốc tế Tulsa, bang Oklahoma ngày 5/3 sau khi xuất hiện báo động cháy trong khoang chính.
E-6B Mercury được gọi là máy bay "Ngày tận thế" của quân đội Mỹ, có nhiệm vụ duy trì liên lạc khi xảy ra chiến tranh hạt nhân. Phi cơ trị giá 141 triệu USD này đóng vai trò là trung tâm chỉ huy và kiểm soát trên không, duy trì liên lạc giữa bộ ba hạt nhân gồm tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, máy bay ném bom chiến lược và đơn vị vận hành tên lửa LGM-30G Minuteman III với tổng thống cùng bộ trưởng quốc phòng Mỹ.
Tổ bay E-6B thường gồm 22 người khi thực hiện nhiệm vụ chỉ huy trên không, trong đó có một đô đốc hoặc sĩ quan cấp tướng. Hải quân Mỹ duy trì ít nhất một chiếc E-6B trực chiến trên không ở mọi thời điểm, trong đó phi cơ bay vòng tròn trên biển ở tốc độ thấp nhất trong 10 tiếng liên tục.
Nguyễn Tiến (Theo Navy Times)