Dù vậy, trong cuộc phỏng vấn mới đây tại Paris (Pháp), ông Philippe Petitcolin - CEO Safran - hãng tham gia sản xuất động cơ máy bay cho C919 cho biết nếu có trục trặc, lịch bay thử vẫn có thể thay đổi. C919 sử dụng động cơ LEAP - sản xuất bởi CFM International - liên doanh giữa Safran và General Electric.
*Máy bay C919 của Trung Quốc
Trung Quốc đang phát triển loại máy bay chở khách sức chứa 168 người này với tham vọng thách thức sự thống trị của Airbus và Boeing trên thị trường hàng không toàn cầu. Dự án C919 là một phần kế hoạch đầy tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình, nhằm hiện đại hóa nền sản xuất của Trung Quốc. Nước này đã xếp hàng không vào nhóm lĩnh vực có thể giúp tăng tốc quá trình này.
Tháng 10 năm ngoái, kỹ sư trưởng tại COMAC cho biết máy bay này sẽ cất cánh muộn nhất là đầu năm nay, sau 2 lần trì hoãn kể từ năm 2014.
Họ đã chọn 16 tập đoàn toàn cầu làm nhà cung cấp, trong đó có General Electric và Honeywell International. Họ cũng thành lập ít nhất 16 liên doanh về điện tử hàng không, kiểm soát chuyến bay, năng lượng, nhiên liệu và thiết bị hạ cánh. COMAC ước tính tiềm năng thị trường cho máy bay này lên tới 650 tỷ NDT (96 tỷ USD).
Hồi tháng 11/2016, COMAC cho biết họ đã nhận được 570 đơn hàng C919 từ 23 khách mua. Trong đó có các hãng bay quốc doanh như Air China, China Southern và China Eastern Airlines. COMAC cũng có một dòng máy bay khác, nhỏ hơn, mang tên ARJ21. Máy bay này đã cất cánh lần đầu vào tháng 6 năm ngoái.
Hà Thu (theo Bloomberg)