Họ đã có kinh nghiệm sản xuất ARJ21 - loại phản lực nhỏ hơn với 90 chỗ. ARJ21 đã nhận được số đơn hàng trị giá ít nhất 2 tỷ USD - chủ yếu từ các công ty trong nước.
Bất chấp chương trình C919 bị kéo dài - việc bay thử đầu tiên đã bị hoãn ít nhất 2 lần từ năm 2014 - COMAC vẫn muốn gửi thông điệp đến cả thế giới rằng: Hãy nhìn lên bầu trời đi. Hãng cho biết đã nhận được cam kết mua 517 máy bay từ 21 khách hàng. Tại Triển lãm Hàng không Zhuhai tuần này, COMAC sẽ trưng bày mô hình máy bay và có thể công bố thêm nhiều khách hàng tiềm năng.
Dự án này là một kế hoạch đầy tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình, nhằm biến Trung Quốc từ một nhà sản xuất giày thể thao, quần áo và đồ chơi thành quốc gia có thể cạnh tranh với Airbus hay Boeing. Đưa C919 từ bàn thiết kế lên bầu trời là việc rất quan trọng với ông Tập. Ông đã nhấn mạnh hàng không là ngành có thể giúp tăng tốc hiện đại hóa nền kinh tế, như Nhật Bản và Đức.
"Nội địa hóa việc sản xuất máy bay sẽ giúp Trung Quốc củng cố tham vọng tiến lên đầu trong chuỗi giá trị toàn cầu. Dù vậy, họ vẫn còn phải làm rất nhiều việc nữa để hiện thực hóa giấc mơ này", Liu Yuanchun – người đứng đầu Học viện Phát triển và Chiến lược Quốc gia tại Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết.
Hàng không đứng thứ 3, sau Công nghệ Thông tin và Robot, trong danh sách ưu tiên của kế hoạch “Made in China 2025” mà ông Tập đưa ra năm ngoái. Bắc Kinh nhắm đến các máy bay chở khách thân rộng, trực thăng hạng nặng và các loại động cơ hợp tác sản xuất với đối tác toàn cầu. Triển lãm Hàng không Zhuhai cũng sẽ có sự góp mặt của Tập đoàn Động cơ Máy bay (AECC) – công ty mới được thành lập để sản xuất bộ phận này cho máy bay.
COMAC khởi động chương trình nghiên cứu và phát triển C919 năm 2008, ngay khi thành lập công ty. Nhiệm vụ của họ là hiện thực hóa giấc mơ tạo ra và đưa lên bầu trời một máy bay thương mại cỡ lớn.
Họ đã chọn 16 tập đoàn toàn cầu làm nhà cung cấp, trong đó có General Electric và Honeywell International. Họ cũng thành lập ít nhất 16 liên doanh về điện tử hàng không, kiểm soát chuyến bay, năng lượng, nhiên liệu và thiết bị hạ cánh. COMAC ước tính tiềm năng thị trường cho máy bay này lên tới 650 tỷ NDT (96 tỷ USD).
C919 đã sẵn sàng cho chuyến bay thử và COMAC cho biết không có lý do gì để hoãn thêm lần nữa. Tuy nhiên, đại diện hãng này không nêu ra thời gian cụ thể. Người này cũng nhấn mạnh vì mọi việc mới chỉ bắt đầu, còn quá sớm để nói về việc cạnh tranh với các hãng lớn.
Máy bay ARJ21 của COMAC mất 13 năm để thiết kế, chế tạo và đưa ra thị trường. Nó đã hoạt động từ tháng 6 năm nay.
ARJ21 nghĩa là Advanced Regional Jet for the 21st Century - Phản lực Tân tiến trong khu vực cho thế kỷ 21. Khách hàng lớn nhất của họ là Tập đoàn Cho thuê Máy bay Trung Quốc, khi đồng ý mua 60 chiếc này hồi tháng 7, với giá 2,3 tỷ USD.
Shukor Yusof – nhà sáng lập hãng tư vấn hàng không Endau Analytics (Malaysia) cho rằng ban đầu, có thể máy bay này chỉ hạn chế trong thị trường nội địa, hoặc một vài nước đang phát triển. Lo ngại an toàn có thể khiến các hãng bay hàng đầu thế giới e dè khi chọn C919.
"Họ nên chứng minh cho thế giới thấy đó là một chiếc máy bay nghiêm túc. Và để các hãng hàng không yên tâm, đặc biệt là các hãng top đầu, quá trình này có thể mất hơn 2 thập kỷ", Shukor dự báo.
Dù vậy, với C919, nếu hoàn chỉnh và đảm bảo an toàn, riêng thị trường trong nước cũng đã đủ béo bở. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), đến năm 2024, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới về số hành khách. Nước này sẽ cần 6.810 máy bay mới, trị giá hơn 1.000 tỷ USD trong 2 thập kỷ tới để đáp ứng nhu cầu di chuyển trên không đang tăng, Boeing dự báo.
Hà Thu (theo Bloomberg/AFP)