Quân đội Mỹ đang xem xét phát triển một máy bay mới gọi là "máy bay kho vũ khí" mang theo một lượng lớn bom đạn dược sát cánh cùng các chiến đấu cơ tàng hình tham chiến để tăng cường đáng kể hỏa lực cho các máy bay tàng hình này, theo National Interest.
Khái niệm "máy bay kho vũ khí" do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đưa ra trong bài phát biểu hôm 2/2 về đề xuất ngân sách Lầu Năm Góc năm 2017, có thể giúp khắc phục một trong những vấn đề nan giải nhất của quân đội Mỹ là việc "thiếu hụt về lượng" so với lực lượng đông đảo hơn rất nhiều của các đối thủ, chẳng hạn như Trung Quốc, trong trường hợp nổ ra chiến tranh trên Thái Bình Dương.
"Máy bay kho vũ khí", do Phòng Năng lực Chiến lược (SCO) mới thành lập của Cơ quan Quốc phòng Mỹ phát triển, sẽ biến một trong các máy bay cũ nhất của Mỹ thành một hệ thống để mang theo tất cả các loại vũ khí thông thường. Trong thực chiến, máy bay này sẽ là một kho vũ khí cực lớn trên không được kết nối với máy bay thế hệ 5 đóng vai trò xác định và chỉ thị mục tiêu. "Về cơ bản, sự kết hợp các hệ thống khác nhau đã nằm trong tính toán của chúng tôi để tạo ra các năng lực toàn diện mới", ông Carter nói.
Chuyên gia phân tích quốc phòng David Axe của Daily Beast cho rằng đây là động thái đúng đắn. Lực lượng không chiến toàn cầu trong tương lai của Mỹ sẽ gồm các chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 nhỏ nhất và mới nhất cùng tham chiến với các oanh tạc cơ hạng nặng có từ thời Chiến tranh Lạnh.
Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa máy bay tiêm kích tàng hình hiện đại và oanh tạc cơ kích thước lớn có thể tạo ra hỏa lực áp đảo mà quân đội Mỹ cần để chiếm ưu thế trước trang bị không quân đang hiện đại hóa nhanh chóng của Trung Quốc hoặc Nga.
Lầu Năm Góc hiện thiếu hàng trăm chiến đấu cơ, và trong trường hợp xảy ra chiến tranh ở Đông Âu hoặc Tây Thái Bình Dương, việc bị Nga và Trung Quốc áp đảo về số lượng sẽ khiến các máy bay trang bị vũ khí hạng nhẹ của Mỹ gặp nhiều bất lợi.
Một quan chức Lầu Năm Góc đã nói với Aviation Week rằng SCO đang xem xét biến oanh tạc cơ B-1 hoặc/và B-52 thành máy bay kho vũ khí, trong đó có nhiều đề xuất trang bị các loại tên lửa không đối không cho những chiếc máy bay vốn chỉ được sử dụng để ném bom này.
Theo ông Axe, lợi ích của việc cải hoán này là rất rõ ràng. Quân đội Mỹ hiện có chưa đến 200 máy bay tàng hình, gồm khoảng 180 tiêm kích F-22 của không quân và 10 tiêm kích F-35B của thủy quân lục chiến. Số lượng tiêm kích tàng hình ít ỏi này không đủ khả năng giao chiến trên không với khoảng 1.230 máy bay chiến đấu của Trung Quốc trong trường hợp nổ ra xung đột ở Đài Loan hoặc Biển Đông.
Các tiêm kích tàng hình của Mỹ cũng mang theo ít vũ khí hơn các đối thủ. F22 chỉ mang được 8 tên lửa không đối không trong các khoang vũ khí, F-35 chỉ mang được hai tên lửa như vậy, trong khi các biến thể tiêm kích Su-27 của Trung Quốc có thể mang theo khoảng 10 hoặc hơn các tên lửa không đối không. Và trong cuộc không chiến trên biển Thái Bình Dương, với lợi thế gần căn cứ, Bắc Kinh có thể triển khai hàng trăm chiến đấu cơ một lúc để đối phó với máy bay Mỹ.
Ý tưởng "máy bay kho vũ khí" là để khắc phục hạn chế này và có thể là phương án rất hiệu quả. Theo ý tưởng này, các tiêm kích F-22 và F-35 sẽ tận dụng ưu thế tàng hình để xâm nhập chiến trường và phát hiện, chỉ thị mục tiêu cho oanh tạc cơ bay chậm hơn rất nhiều ở khoảng cách an toàn phía sau.
Do tiêm kích tàng hình F-22 và F-35 bay phía trước tìm kiếm mục tiêu mà không bị phát hiện nên oanh tạc cơ B-52 và B-1 không cần thiết phải trang bị công nghệ tàng hình. Tất cả những gì oanh tạc cơ cần là mang theo thật nhiều vũ khí và tấn công những mục tiêu được tiêm kích tàng hình chỉ thị.
Kế hoạch này sẽ tăng cường đáng kể uy lực cho các oanh tạc cơ. Không quân Mỹ hiện có hơn 130 oanh tạc cơ B-1 và B-52 và có thể mang theo khoảng 35 tấn vũ khí đạn dược mỗi chiếc, nhiều gấp 10 lần lượng vũ khí F-22 hoặc F-35 mang theo.
Tuy nhiên, vẫn có một vấn đề là SCO vẫn chưa xác định được là phương thức kết nối giữa tiêm kích tàng hình và oanh tạc cơ. Việc giao tiếp với tiêm kích tàng hình cần được tiến hành từ xa giống với tín hiệu radio được mã hóa tinh vi mà quân đội Mỹ gọi là "liên kết dữ liệu". "Công nghệ kết nối truyền dữ liệu thông tin mục tiêu giữa hai máy bay để khai hỏa chính xác hiện gặp nhiều khó khăn", Brian Laslie, nhà sử học không quân Mỹ, nói.
Dù vậy, Dave Deptula, một tướng không quân về hưu đã tán dương ý tưởng "máy bay kho vũ khí" và cho rằng các oanh tạc cơ từ trước đến nay vẫn có thể đóng vai trò lớn hơn, để đạt được điều này cần đổi mới tư duy và thay đổi quan niệm lỗi thời cho rằng một máy bay chỉ có thể thực hiện chức năng và nhiệm vụ đơn lẻ.
Ông Deptula khẳng định Mỹ có thể vượt qua được rào cản công nghệ để hiện thực hoá ý tưởng này. "Ngày nay chúng ta có thể tích hợp bộ cảm biến, năng lực xử lý và hệ thống điện tử lên một chiến đấu cơ có chi phí vừa phải ở một mức độ chưa từng thấy", ông nói.
Hiện nay, "máy bay kho vũ khí" mới chỉ là một khái niệm thay vì là một chương trình chính thức có ngân sách thực hiện. Dù vậy, nhu cầu là rất rõ ràng và phần cứng cũng đã có. Một khi vấn đề tài chính được thông qua, trong một vài năm tới, các tiêm kích F-22 và F-35 có thể tham chiến cùng với các oanh tạc cơ hạng nặng để giành thế áp đảo trên chiến trường, chuyên gia Axe nhấn mạnh.
Duy Sơn