Bộ Quốc phòng Israel ngày 21/6 công bố hình ảnh và video buổi thử nghiệm bắn hạ máy bay không người lái (UAV) ở khoảng cách và độ cao khác nhau bằng Hệ thống Vũ khí Laser Công suất cao hồi tuần trước. Hệ thống vũ khí laser được lắp trên một máy bay cánh quạt cỡ nhỏ, được gắn cảm biến và hệ thống theo dõi tiên tiến trong thân.
Trong buổi thử nghiệm do Bộ Quốc phòng Israel và hãng Elbit Systems tiến hành, máy bay mang vũ khí laser "đánh chặn và tiêu diệt thành công 100% UAV được phóng". Video cho thấy các UAV bay trên biển bị chùm tia laser đốt cháy thân và rơi xuống mặt nước.
"Israel là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới chứng minh khả năng này", Bộ Quốc phòng Israel cho biết. "Đây là giai đoạn đầu tiên trong chương trình phát triển hệ thống phòng không laser tiên tiến kéo dài nhiều năm nhằm bổ sung một lớp nữa cho hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Israel, bên cạnh các tổ hợp Vòm Sắt, David's Sling và Arrow".
Trong đợt giao tranh giữa quân đội Israel và dân quân Hamas ở Dải Gazza hồi tháng 5, các hệ thống phòng không mặt đất như Vòm Sắt được sử dụng để đánh chặn rocket và UAV của đối phương với kết quả rất tốt.
Tuy nhiên, việc sử dụng tên lửa đắt tiền đánh chặn UAV có khả năng không hiệu quả như vũ khí laser, điều khiến quân đội nhiều nước quyết tâm phát triển năng lực phòng không với vũ khí mới.
Chuẩn tướng Yaniv Rotem, lãnh đạo bộ phận nghiên cứu và phát triển của quân đội Israel, cho biết đây là cuộc thử nghiệm dùng pháo laser bắn hạ UAV đầu tiên ở Israel và thậm chí là trên thế giới.
Tướng Rotem gọi cuộc thử nghiệm là "thành tựu công nghệ đột phá", cho biết tổ hợp vũ khí laser được thử nghiệm "mạnh mẽ, chính xác và có thể đánh chặn mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết".
Trong cuộc thử nghiệm hồi tuần trước, máy bay trang bị tia laser có thể hạ mục tiêu trong phạm vi một km. Israel dự kiến nâng khoảng cách đánh chặn UAV của vũ khí laser lên hàng chục, thậm chí hàng trăm km nữa, song quá trình này có thể mất vài năm.
Bộ Quốc phòng Israel hy vọng có thể mở rộng năng lực tác chiến của vũ khí laser sang các nền tảng trên không khác nhằm phục vụ mục đích tấn công và phòng thủ.
Nguyễn Tiến (Theo Business Insider)