Dữ liệu trên trang định vị hàng không ADS-B Exchange hôm 5/8 cho thấy trinh sát cơ WC-135W mang hô hiệu Jake 21 cất cánh từ căn cứ Mildenhall ở Anh, bay qua không phận Hà Lan, Đức và Ba Lan trước khi chuyển hướng đến biển Baltic.
Chiếc WC-135W sau đó quần thảo nhiều vòng trên không phận quốc tế ở biển Baltic, có thời điểm hạ độ cao xuống 1.500-2.000 m so với mặt biển, trước khi trở về căn cứ tại Anh.
Không quân Mỹ chưa bình luận về chuyến bay của chiếc WC-135W.
Nhiều người dùng mạng xã hội đã đặt ra các giả thuyết về nhiệm vụ của phi cơ WC-135W, trong đó có sự cố với hệ thống động lực khiến tàu ngầm hạt nhân tấn công Orel của Nga chết máy trên biển Baltic hôm 30/7.
Chuyến bay trên biển Baltic cũng cho phép không quân Mỹ thu thập mẫu không khí từ những địa điểm ở phía bắc và phía đông khu vực, tùy thuộc vào tình hình thời tiết. Nga từng thử nghiệm tên lửa hành trình hạt nhân Burevestnik ở Biển Trắng nằm phía đông bắc biển Baltic.
Khu vực hoạt động của chiếc WC-135W cũng tương đối gần nhiều căn cứ hải quân chủ chốt của Nga, nơi đóng quân của các tàu ngầm hạt nhân và cơ sở xử lý chất thải phóng xạ.
WC-135W Constant Phoenix, còn có biệt danh "máy bay đánh hơi hạt nhân", được phát triển từ nền tảng vận tải cơ Boeing C-135, hai bên thân có khoang thu thập mẫu không khí, bộ lọc bên trong sẽ tách các phân tử phóng xạ để phân tích. Thiết bị trên WC-135W cho phép chuyên gia đo đạc dư lượng phóng xạ theo thời gian thực nhằm xác nhận sự xuất hiện của vụ nổ hạt nhân, cũng như thông tin cơ bản về đầu đạn.
Máy bay này có thể chở tối đa 33 thành viên phi hành đoàn và chuyên gia hạt nhân. Tuy nhiên, tổ bay thường được cắt giảm tới mức tối thiểu để giảm nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ.
Không quân Mỹ hiện chỉ còn một chiếc WC-135W trong biên chế được sản xuất từ thập niên 1960, sau khi loại bỏ một máy bay Constant Phoenix hồi năm ngoái.
Vũ Anh (Theo Drive)