Hãng tin Nga Interfax dẫn nguồn tin giấu tên trong cơ quan quản lý không lưu hôm nay cho biết máy bay chở khách từ Tel Aviv, Israel đến thủ đô Moskva đã phải hạ độ cao khoảng 500 m trên Biển Đen sau khi phát hiện một trinh sát cơ cắt ngang đường bay dự kiến.
Nguồn tin không tiết lộ máy bay chở khách thuộc biên chế hãng nào, cũng như danh tính của trinh sát cơ. Dữ liệu trên trang theo dõi FlightRadar24 cho thấy chuyến bay SU501 của hãng hàng không Nga Aeroflot đã hạ độ cao trên Biển Đen hôm 3/12 khi bay từ Tel Aviv đến Moskva.
Cơ quan hàng không Nga và đại sứ quán Mỹ tại Moskva từ chối bình luận về thông tin.
Bộ Quốc phòng Nga hôm qua thông báo phát hiện hai trinh sát cơ Mỹ tiến về phía biên giới nước này từ hướng Biển Đen. "Tiêm kích Su-27 và Su-30SM thuộc lực lượng trực chiến phòng không của Quân khu miền Nam đã cất cánh để nhận dạng mục tiêu. Kíp lái Nga xác định đó là trinh sát cơ RC-135 và CL-600 Artemis của không quân Mỹ, sau đó giám sát họ trên Biển Đen", thông cáo của quân đội Nga có đoạn.
Bộ Quốc phòng Nga khẳng định các tiêm kích đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định quốc tế về sử dụng vùng trời và biên giới Nga không bị xâm phạm. Nhóm chiến đấu cơ trở về căn cứ sau khi máy bay Mỹ chuyển hướng và rời xa biên giới Nga.
Những động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của quân đội Nga gần biên giới Ukraine. "Có đủ dấu hiệu gây rất nhiều lo ngại và chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi", Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley nói với các phóng viên hôm 2/12.
Truyền thông Mỹ hôm nay dẫn lời quan chức giấu tên tiết lộ Nga "đang lên kế hoạch tấn công Ukraine từ nhiều hướng" với lực lượng lớn gấp đôi đợt diễn tập chớp nhoáng gần biên giới hai nước đầu năm nay.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova sau đó cáo buộc Mỹ làm trầm trọng hóa tình hình quanh Ukraine và đẩy trách nhiệm cho Nga. "Nó dựa trên những hành động gây hấn gần biên giới Nga, đi kèm những phát biểu mang tính cáo buộc", bà nói.
Moskva và Washington thường triển khai oanh tạc cơ, máy bay trinh sát áp sát không phận của nhau. Máy bay Mỹ và Nga luôn chạm mặt trong các nhiệm vụ này, nhưng hai bên thường tiến hành hoạt động tiếp cận, giám sát một cách chuyên nghiệp và an toàn.
Ukraine, nước không phải thành viên NATO, từ lâu tìm cách tăng cường quan hệ với phương Tây, trong khi Nga kiên quyết phản đối ý tưởng Ukraine gia nhập NATO. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 30/11 cho biết Nga sẽ phải hành động nếu NATO vượt "lằn ranh đỏ" về vấn đề Ukraine, trong đó có triển khai hệ thống tên lửa tại đây.
Vũ Anh (Theo Reuters)