Máy bay An-26 của Nga mất liên lạc khi đang bay từ Petropavlovsk-Kamchatsky tới Palana ở bán đảo Kamchatka, thuộc vùng Viễn Đông. Máy bay không liên lạc với trạm kiểm soát không lưu vào thời gian hạ cánh đã định, theo các hãng thông tấn Nga.
Hãng thông tấn RIA cho hay chiếc máy bay đã đâm xuống vùng biển ngoài khơi bán đảo Kamchatka khi chuẩn bị hạ cánh. 28 người có mặt trên khoang chiếc máy bay gặp nạn, bao gồm 6 thành viên phi hành đoàn và 22 hành khách, trong đó có ít nhất một trẻ em.
Giới chức Nga đã tiến hành chiến dịch tìm kiếm với sự tham gia của ít nhất hai trực thăng, trong khi đội cứu nạn đang ứng trực, sẵn sàng lên đường.
Phát ngôn viên văn phòng giao thông vận tải địa phương Valentina Glazova sau đó xác nhận chiếc AN-26 thuộc hãng hàng không Kamchatka đã "biến mất và không hạ cánh như đã định". "Các nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ đang được thực hiện. Những thông tin chúng tôi biết vào lúc này là liên lạc với máy bay đã gián đoạn và nó không hạ cánh", Glazova cho biết.
AN-26 là loại máy bay hai động cơ phản lực cánh quạt cỡ nhỏ, được Liên Xô thiết kế và sản xuất trong giai đoạn 1969-1986 cho cả mục đích quân sự lẫn dân sự. Máy bay chở khách dân sự có thể chở tối đa 40 hành khách, với tổ bay 5 người.
Nga là quốc gia từng xảy ra nhiều vụ tai nạn máy bay, song đã cải thiện tình hình an toàn giao thông hàng không trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nước này vẫn bị cho là bảo trì máy bay kém và không duy trì chặt chẽ tiêu chuẩn an toàn. hàng không.
Trong những năm gần đây, Nga đã chứng kiến một số vụ tai nạn hàng không chết người. Vụ tai nạn hàng không lớn nhất gần ở Nga xảy ra hồi tháng 5/2019, khi chiếc Sukhoi Superjet thuộc hãng hàng không Aeroflot bốc cháy trong lúc hạ cánh trên đường băng ở Moskva, khiến 41 người thiệt mạng.
Tháng 2/2018, chiếc máy bay An-148 của hãng hàng không Saratov rơi gần thủ đô Moskva ngay sau khi cất cánh, khiến toàn bộ 71 người trên máy bay thiệt mạng. Cuộc điều tra sau đó kết luận vụ tai nạn này do lỗi của con người.
Các chuyến bay ở Nga cũng có thể gặp nguy hiểm vì điều kiện thời tiết phức tạp khi tới những khu vực xa xôi như vùng Bắc Cực và Viễn Đông.
Ngọc Ánh (Theo AFP)