Khi một cuộc xung đột nổ ra tại Trung Đông, châu Phi hoặc khu vực Đông Âu, một trong những vũ khí cổ nhất nhiều khả năng xuất hiện trên chiến trường là T-54/55, dòng xe tăng huyền thoại được sản xuất từ sau Thế chiến II. Trong suốt 70 năm qua, dòng xe tăng này đã trải qua hàng loạt cuộc chiến và vẫn là một trong những vũ khí chủ chốt trên chiến trường hiện đại.
Vào cuối Thế chiến II, lực lượng tăng thiết giáp Liên Xô phần lớn gồm xe tăng hạng trung T-34-85 cùng xe tăng hạng nặng IS-2 và IS-3. Dòng T-34 từng thể hiện uy lực vượt trội trong cuộc chiến, nhưng quân đội Liên Xô đánh giá hệ thống treo dạng nhíp và pháo 85 mm của nó đã lạc hậu trong giai đoạn sau Thế chiến II.
Dòng xe tăng hạng nặng IS cũng thể hiện tính năng ngang ngửa với những thiết giáp hiện đại nhất của Đức Quốc xã. Tuy nhiên, tổ lái thường xuyên gặp khó khăn khi nạp những viên đạn 122 mm cỡ lớn với liều phóng rời, khiến dòng xe này có tốc độ bắn và lượng đạn dự trữ rất thấp.
Liên Xô dự định thay thế dòng T-34-85 bằng xe tăng hạng trung T-44, nhưng nó không phù hợp với pháo 100 mm hoặc 122 mm theo yêu cầu. Điện Kremlin đề ra yêu cầu về một thiết kế hoàn toàn mới, nhằm đáp ứng yêu cầu đối đầu với các dòng xe tăng mới xuất hiện của phương Tây.
Các chuyên gia tại Cục Thiết kế Chế tạo máy Kharkiv Morozov (KMDB) cho ra đời nguyên mẫu đầu tiên của dòng xe tăng mới vào giữa năm 1945, nhưng hàng loạt vấn đề kỹ thuật khiến họ nhanh chóng phát triển Object 137, nguyên mẫu của xe tăng T-54 với nhiều tính năng nâng cấp.
Sau khi phiên bản hoàn chỉnh ra mắt năm 1946, dòng T-54 bắt đầu được sản xuất hàng loạt tại nhà máy của KMDB và Cục Thiết kế (OKB-520) từ năm 1947, đưa vào biên chế quân đội Liên Xô năm 1949.
Thiết kế nhỏ gọn khiến T-54 chỉ cao 2,39 m, giúp nó khó bị bắn trúng hơn nhiều so với mẫu M-48 Patton của Mỹ khi đó. Tháp pháo hình vòm cong cũng dễ làm chệch hướng đạn chống tăng của đối phương. T-54 được đánh giá là dòng tăng hạng trung hiện đại nhất thế giới vào năm 1946 và chỉ bị vượt mặt bởi mẫu Centurion của Anh sau đó một năm.
Đầu thập niên 1950, OKB-520 quyết định lắp hệ thống ổn định dọc STP-1 "Gorizont" cho pháo chính D-10T trên phiên bản xe tăng T-54A. Ban đầu nó được lắp một đối trọng ở đầu nòng pháo, thiết bị này sau đó được thay bởi bọng hút khí để giảm lượng khói thuốc tràn vào tháp pháo sau khi khai hỏa.
Biến thể T-54A cũng được trang bị thêm ống lặn sâu OPVT, kính ngắm xa TSh-2A-22, kính tiềm vọng nhìn đêm và đèn hồng ngoại cho lái xe, bộ đàm đời mới cùng động cơ cải tiến và hệ thống dập lửa tự động.
Phiên bản nâng cấp sâu T-54B ra đời năm 1955, trang bị hệ thống ổn định phương dọc và ngang cho pháo chính D-10T2S cỡ nòng 100 mm. Xạ thủ và trưởng xe cũng được trang bị nhiều cụm thiết bị để tăng khả năng phát hiện mục tiêu. Nhiều loại đạn xuyên giáp mới cũng được đưa vào sử dụng, nhằm đối phó với xe tăng cùng thời của phương Tây.
Nghiên cứu với vũ khí hạt nhân cho thấy T-54 chịu được vụ nổ mạnh ngang quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima từ khoảng cách 300 m, nhưng tổ lái chỉ có cơ hội sống sót từ cách 700 m trở lên. Liên Xô quyết định phát triển hệ thống phòng vũ khí sinh học, hóa học và hạt nhân (NBC) có thể kích hoạt trong 0,3 giây từ khi phát hiện tia gamma phát ra trong một vụ nổ hạt nhân.
Quá trình thiết kế phiên bản nâng cấp T-55 kết thúc vào năm 1958. Dòng xe này được đánh giá vượt trội hoàn toàn về hỏa lực và sức cơ động so với xe tăng hạng nặng IS-2, IS-3 và T-10. Dòng T-55 thúc đẩy việc loại bỏ sự kết hợp xe tăng hạng trung tốc độ cao với xe tăng hạng nặng mang hỏa lực và giáp mạnh trong Thế chiến II, thay bằng khái niệm "xe tăng chiến đấu chủ lực" với ưu điểm của cả hai loại khí tài trên.
Dây chuyền chế tạo dòng T-54/55 hoạt động trong giai đoạn 1946-1983 tại Liên Xô, Ba Lan và Tiệp Khắc. Tổng cộng khoảng hơn 86.000 chiếc đã được xuất xưởng, biến nó trở thành dòng xe tăng được chế tạo nhiều nhất lịch sử, vượt qua cả huyền thoại T-34.
Liên Xô đã xuất khẩu hàng loạt xe tăng T-54/55 cho khoảng 50 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thiết kế đơn giản, dễ vận hành và phụ tùng luôn sẵn có khiến mẫu thiết giáp này được ưa chuộng ở nhiều nơi, thậm chí còn được ưu tiên sử dụng hơn những loại xe tăng hiện đại.
Liên Xô cũng sử dụng khung gầm T-55 để phát triển pháo tự hành phòng không ZSU-57-2 và xe chiến đấu bộ binh BTR-T mới.
Hàng loạt phiên bản nâng cấp cũng giúp duy trì sức mạnh của dòng T-54/55, bất chấp việc chúng ra đời từ nhiều thập kỷ trước. Biến thể T-55AM được lắp giáp phức hợp, cùng hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại với máy tính đường đạn và bộ đo xa laser. Mẫu xe này cũng có thể phóng tên lửa chống tăng dẫn đường laser 9M117 Bastion, giúp tăng tầm bắn và khả năng xuyên phá với xe tăng hiện đại.
Ngoài Liên Xô, nhiều quốc gia thuộc Khối Warsaw và Israel cũng đưa ra những giải pháp hiện đại hóa như bổ sung giáp, hệ thống điện tử và pháo cỡ nòng lớn hơn do xe tăng T54/55.
"Cỗ xe tăng được Liên Xô thiết kế từ hơn 70 năm trước dường như hữu ích hơn nhiều so với các chiến xa hiện đại. Thực tế này cho thấy xe tăng không nhất thiết phải quá phức tạp. Một mẫu xe tăng giá rẻ, thiết kế đơn giản nhưng uy lực vẫn là vũ khí hiệu quả trong hầu hết các cuộc chiến thế kỷ 21, cũng giống như khẩu súng trường huyền thoại AK-47 của Liên Xô", chuyên gia quân sự Dave Majumdar nhận xét.
Vũ Anh (Theo National Interest)