Một chiếc T-28 bị quân Phần Lan thu giữ
T-28 là xe tăng nhiều tháp pháo được Liên Xô thiết kế và sản xuất trong thập niên 1930, lấy cảm hứng từ mẫu Vickers A1E1 Independent của Anh trong Thế chiến I. Đây được xem là loại xe tăng góp phần thay đổi lịch sử chiến tranh thế giới nhờ được trang bị nhiều khí tài hiện đại, theo War History.
Nguyên mẫu T-28 Liên Xô có ba tháp pháo với vũ khí chính là pháo KT-28 cỡ nòng 76,2 mm đặt ở chính giữa. Bên cạnh đó, xe có thêm hai tháp pháo phụ trang bị súng máy DT cỡ 7,62 mm và hai súng máy ở tháp pháo trung tâm, một ở phía trước và một phía sau.
T-28 được sản xuất đại trà từ năm 1933, được các chuyên gia đánh giá là thiết kế xe tăng hạng trung hiện đại nhất thời bấy giờ. Nó có uy lực tương đương hoặc tốt hơn các loại xe tăng Anh, đồng thời vượt trội xe tăng Renault FT chủ lực của mọi sư đoàn tăng thiết giáp Pháp. Khi đó, Đức không có bất kỳ xe tăng nào, nhưng mọi thứ mau chóng thay đổi.
Sự ra đời của T-28 đã thay đổi lịch sử chiến tranh. Những bộ não kỹ thuật tài giỏi nhất đã được tận dụng để sản xuất ra công nghệ quân sự có sát thương lớn nhất. Trong giai đoạn đó, T-28 lần đầu tiên được triển khai trong Chiến tranh mùa đông giữa Liên Xô và Phần Lan năm 1939 với các khí tài hiện đại nhất là hệ thống liên lạc vô tuyến và súng máy phòng không.
Dù sở hữu hỏa lực khủng khiếp, T-28 lại chỉ được trang bị giáp mỏng. Bởi vậy, dù Phần Lan có rất ít vũ khí chống tăng, họ đã tìm ra cách vô hiệu hóa và phá hủy một số xe tăng này bằng bom xăng.
Trong cuộc chiến này, Liên Xô tập trung chọc thủng phòng tuyến Mannerheim, tuyến phòng thủ chính của Phần Lan, bằng những chiếc T-28 với lớp giáp trước được nâng cấp độ dày từ 30 mm lên 80 mm, giáp sườn và phía sau tăng lên 40 mm.
Theo sử gia Maksim Kolomiets, quân đội Phần Lan thường chỉ có thể vô hiệu hóa những chiếc T-28 chứ không phá hủy được chúng. Trong số 200 xe bị loại khỏi vòng chiến đấu ở Phần Lan, chỉ có 20 chiếc không thể sửa chữa.
Khi phát xít Đức xâm lược Liên Xô năm 1941, Hồng quân Liên Xô đang được biên chế tổng cộng 411 chiếc T-28. Tuy nhiên họ mất hầu hết số xe tăng này trong hai tháng đầu của cuộc chiến, chủ yếu do bị bỏ lại khi rút quân.
Tăng T-28 đã bộc lộ sự không đáng tin cậy và dễ hỏng hóc, trong đó động cơ và hộp số là các bộ phận hay gặp trục trặc nhất. Một số tăng T-28 sau đó tham gia trận phòng thủ Moscow và Leningrad, nhưng đến cuối năm 1941, nó đã trở nên hoàn toàn lạc hậu.
Ngày nay chỉ còn sót lại ba chiếc T-28 được trưng bày tại bảo tàng ở Moscow và Phần Lan.
Duy Sơn