Theo Sina, váy mã diện là trang phục truyền thống Trung Quốc, xuất hiện từ nghìn năm trước, nhưng chỉ thực sự nổi đình đám gần hai năm trở lại đây, sau "sự kiện Dior". Tháng 7/2022, nhà mốt Pháp đăng ảnh chụp một chiếc chân váy, giới thiệu đây là "thiết kế mới, mang phom dáng điển hình của Dior". Thiết kế được hãng bán với giá 29.000 nhân dân tệ (hơn 100 triệu đồng).
Hàng triệu người Trung Quốc cho rằng Dior đạo nhái váy mã diện. Nhà mốt sau đó gỡ sản phẩm khỏi trang bán hàng ở Trung Quốc đại lục nhưng không phản hồi cáo buộc "chiếm dụng văn hóa".
Hơn một năm qua, cơn sốt váy mã diện chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, dần trở thành món đồ thời trang phổ biến, theo Sina. Ban đầu nhiều người mặc váy mã diện để "bảo vệ văn hóa truyền thống Trung Quốc" nhưng sau đó, thiết kế dần đi vào đời thường do tính ứng dụng cao, dễ mặc và dễ phối đồ. Giá cả mẫu đầm này cũng vừa phải, từ dưới 200 tệ (686 nghìn đồng) đến 1.000 tệ (3,4 triệu đồng).
Loại Hán phục này có từ thời Tống và thịnh hành ở thời Minh, Thanh. Ban đầu, chúng được tạo nên để tiện cho phụ nữ cưỡi lừa. Nhằm phù hợp cuộc sống hiện đại, nhiều mẫu cách tân ra đời, có thêm túi đựng đồ hoặc thêm lớp vải lót để form dáng sang trọng hơn.
Theo The Paper, giai đoạn trước Tết âm lịch 2024, các doanh nghiệp sản xuất váy mã diện ở huyện Tào, tỉnh Sơn Đông hoạt động hết công suất, nhân công tăng ca vẫn không may kịp theo đơn đặt hàng. Việc sản xuất váy mã diện dịp Tết âm lịch giúp những cơ sở may mặc này đạt tổng doanh thu hơn 300 triệu nhân dân tệ (41,1 triệu USD). Dịp Tết vừa qua, nhiều người trẻ Trung Quốc chọn mặc váy mã diện để đi chơi Tết, chúc Tết, khiến thiết kế trở thành món đồ thời trang được săn đón.
Theo cơn sốt váy mã diện, năm ngoái, lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh Hán phục tăng 355% so với năm 2022. Việc các ngôi sao như Lý Nhược Đồng, Dương Mịch, Triệu Nhã Chi, Từ Kiều mặc mẫu đầm này để ghi hình show truyền hình, dạo phố cũng góp phần làm thiết kế gây chú ý hơn.
Như Anh (theo Sina, The Paper)