Theo tờ Guancha ngày 25/7, khoảng 100 du học sinh tại Pháp đứng trước một cửa hàng của thương hiệu, hô bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Trung các câu: "Hãy tôn trọng văn hóa của chúng tôi", "Ngừng chiếm dụng văn hóa".
Ở buổi biểu tình, một số du học sinh mặc "váy mã diện" - loại trang phục điển hình của phụ nữ thời Minh, Thanh. Hồi giữa tháng 7, Dior bị hàng triệu người Trung Quốc tố cáo đạo nhái "váy mã diện". Nhưng trên trang web, nhà mốt giới thiệu đây là "thiết kế mới, mang phom dáng điển hình của Dior". Mẫu váy được hãng bán với giá 29.000 nhân dân tệ (hơn 100 triệu đồng).
Hãng thời trang Pháp sau đó gỡ sản phẩm khỏi trang bán hàng ở Trung Quốc đại lục nhưng không phản hồi sự việc. Trên trang web của hãng ở Đài Loan, Hong Kong, thiết kế vẫn được bày bán. Một số ý kiến cho rằng trong thời trang, trùng lặp ý tưởng, thiết kế là điều thường thấy.
Một trong những người biểu tình - nữ sinh họ Lưu - cho biết cô ủng hộ nếu nhà mốt mượn ý tưởng của người khác để thiết kế trang phục nhưng mọi việc phải công khai, không chấp nhận việc chiếm dụng. Cô nói: "Hôm nay Dior chiếm dụng văn hóa Trung Quốc, với sức ảnh hưởng của thương hiệu, nếu chúng tôi không lên tiếng, sau này sẽ không ai biết thiết kế của Dior vốn bắt nguồn từ váy truyền thống Trung Quốc".
Dior không ít lần bị khán giả Trung Quốc phản đối vì các lý do liên quan văn hóa dân tộc. Cuối năm ngoái, nhà mốt vấp phải chỉ trích khi triển lãm tấm ảnh người mẫu mắt nhỏ, trợn ngược, mặt tàn nhang, môi và mắt đen, móng tay, kiểu tóc lấy cảm hứng thời nhà Thanh. Bức ảnh bị cho thể hiện cách nhìn phiến diện của phương Tây về ngoại hình người Trung Quốc. Sau đó, Trần Mạn - người chụp bức ảnh - xin lỗi khán giả, thừa nhận quan điểm nghệ thuật của cô "chưa chín chắn".
Nghinh Xuân (theo Guancha)