Đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy, người từng điều khiển tiêm kích MiG-17 bắn rơi 7 máy bay Mỹ, qua đời ngày 22/9 ở tuổi 84 tại Bệnh viện Quân y 175, Bộ Quốc phòng.
Ông là một trong 19 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp Ace, danh hiệu có từ Thế chiến II dành cho những phi công quân sự hạ từ 5 máy bay đối phương trở lên, cũng là một trong ba người đạt đẳng cấp Ace chỉ với tiêm kích MiG-17, mẫu chiến đấu cơ bị đánh giá là kém xa những máy bay hiện đại của Mỹ khi đó như F-4 Phantom II (Con ma) và F-105 Thunderchief (Thần sấm).
MiG-17 là tiêm kích cận âm được Phòng Thiết kế Mikoyan-Gurevich của Liên Xô phát triển dựa trên nền tảng MiG-15, bay thử lần đầu ngày 14/1/1950 và đưa vào biên chế tháng 10/1952.
MiG-17 được thiết kế cho nhiệm vụ đánh chặn oanh tạc cơ chiến lược ít cơ động, nhưng sự ra đời của các loại máy bay ném bom tốc độ cao của Mỹ như B-58 Hustler và FB-111 khiến MiG-17 không còn chỗ đứng trong lực lượng phòng không, không quân Liên Xô. Chúng sớm bị thay thế bởi tiêm kích siêu âm MiG-21 và MiG-23.
Tuy nhiên, bầu trời Việt Nam thời kỳ này lại là nơi tỏa sáng của những chiếc MiG-17, khi chúng trở thành những vũ khí lợi hại trong tay các phi công Việt Nam trong những cuộc không chiến với lực lượng áp đảo của không quân Mỹ.
Trong một bài viết trên trang History Net, Carl O. Schuster, cựu sĩ quan hải quân Mỹ, kể về cuộc chạm trán giữa biên đội máy bay của không quân và hải quân Mỹ với biên đội tiêm kích MiG-17 của Không quân Nhân dân Việt Nam ngày 3/4/1965.
"Không ai phát hiện hai chiếc MiG-17 bay thấp tiếp cận các tốp máy bay Mỹ đang chuẩn bị tập kích cầu Hàm Rồng vào ngày 3/4/1965 cho đến khi chiếc F-8E của thiếu tá hải quân Spence Thomas bị trúng đạn pháo 23 mm của phi công Phạm Ngọc Lan khai hỏa ở khoảng cách 200 m", Schuster viết.
Sau khi tiêm kích của Thomas trúng đạn và bốc cháy dữ dội, một chiếc F-8E trong biên đội cũng bị phi công Phạm Văn Túc bắn cháy. Hai máy bay Mỹ không rơi tại chỗ nhưng hư hỏng quá nặng, bị loại khỏi biên chế và được tính là chiến thắng đầu tiên của Không quân Nhân dân Việt Nam.
Ngày hôm sau, một biên đội MiG-17 Việt Nam tiếp tục bắn rơi hai tiêm kích bom siêu âm F-105, thành tích này được cả hai bên xác nhận.
Tình báo Mỹ biết đến sự hiện diện của MiG-17 tại Việt Nam từ trước đó nhiều tháng, nhưng việc máy bay F-8E và F-105 bị bắn rơi vẫn là điều rất bất ngờ với các sĩ quan cấp cao ở Lầu Năm Góc.
"Phần lớn đánh giá tình báo cho rằng phi công Việt Nam cần thêm ít nhất một năm huấn luyện trước khi có thể đối đầu với không quân Mỹ. Họ bị áp đảo về cả số lượng lẫn chất lượng tiêm kích, lại không được huấn luyện chuyên sâu như phi công Mỹ", Schuster cho hay.
Không quân Việt Nam bắt đầu làm quen tiêm kích MiG-17 từ tháng 10/1960, khi 57 phi công tới Trung Quốc học chuyển loại, một nhóm sĩ quan khác cũng sang Liên Xô học tập.
Tiêm kích MiG-17 Liên Xô viện trợ cho Việt Nam trong giai đoạn đầu chiến tranh là bản MiG-17F sử dụng động cơ phản lực Klimov VK-1 có chế độ đốt tăng lực, đạt tốc độ tối đa 1.200 km/h ở độ cao 5.000 m. MiG-17F không được trang bị radar và không có tên lửa đối không, vũ khí chỉ gồm một pháo N-37D cỡ 37 mm với 40 viên đạn và hai pháo NR-23 cỡ 23 mm, mỗi khẩu mang theo 80 viên đạn.
Các vũ khí này có sức sát thương lớn nhưng tốc độ bắn thấp, chỉ phù hợp với nhiệm vụ tiêu diệt oanh tạc cơ bay chậm, khả năng cơ động thấp. Phi công sẽ hết đạn chỉ sau 7 giây khai hỏa liên tục, ít hơn nhiều so với các máy bay F-100, F-105 và F-8E Mỹ.
MiG-17 cũng thiếu hệ thống thủy lực hỗ trợ quá trình điều khiển, khiến phi công gặp nhiều khó khăn khi thao tác và tiêu tốn thể lực trong những trận đánh kéo dài. Bù lại, khối lượng nhỏ giúp MiG-17 cơ động cực tốt ở tốc độ thấp.
"Đây là tính năng hữu ích nhất trong các trận không chiến trên bầu trời miền bắc Việt Nam. Không quân Việt Nam đã đề ra những chiến thuật hiệu quả để tận dụng tối đa ưu điểm của MiG-17, hạn chế điểm yếu như tăng tốc chậm hoặc khó duy trì vòng lượn ở độ cao nhỏ", Schuster nhận xét.
36 chiếc MiG-17F đầu tiên của Việt Nam được biên chế cho Trung đoàn tiêm kích 921 (Đoàn Sao đỏ) vào ngày 3/2/1964. Các phi công rời Trung Quốc, trở về Việt Nam vào ngày 6/8 năm đó và bắt đầu huấn luyện tại sân bay Nội Bài. Ngoài các bài học chiến thuật, họ cũng nghiên cứu hình dạng từng loại máy bay và chiến thuật của Mỹ.
Không quân Việt Nam nhận ra hai điểm yếu then chốt của Mỹ trong giai đoạn đầu chiến tranh, đó là các phi cơ đều duy trì đội hình đông đảo trên những tuyến bay cố định và không có tiêm kích chuyên nhiệm hộ tống. Việt Nam cũng đề nghị Liên Xô chuyển giao biến thể MiG-17 đánh đêm, nhằm đối phó các biên đội cường kích đêm không có tiêm kích bảo vệ của Mỹ.
Phiên bản MiG-17PF được Liên Xô chuyển cho Việt Nam năm 1965 có thể hoạt động trong mọi thời tiết nhờ radar RP-2 Izumrud, radar đo xa SRD-3 cho pháo và kính hồng ngoại SIV-52. Cấu hình vũ khí cũng thay đổi với ba pháo NR-23, thay cho một pháo N-37D và hai pháo NR-23 như phiên bản MiG-17F.
"Việt Nam áp dụng chiến thuật 'đánh du kích trên trời' nhằm vào các biên đội cường kích Mỹ. Tính năng bay của MiG-17 hoàn toàn phù hợp với cách tiếp cận này", Schuster nhận xét.
Radar hàng không của Mỹ khi đó không thể phát hiện mục tiêu bay gần mặt đất, ngay cả máy bay cảnh báo sớm cũng không xác định được tiêm kích MiG-17 dưới độ cao 760 m. Động cơ của MiG-17 không tạo ra khói, khiến những tiêm kích sơn màu bạc này gần như vô hình khi quan sát bằng mắt thường.
"MiG-17 được thiết kế làm máy bay đánh chặn tốc độ cao, nhưng trên bầu trời Việt Nam, nó được sử dụng như một đấu sĩ cận chiến cực kỳ hiệu quả", Schuster cho hay.
Khi gặp lại cựu phi công Mỹ Ralph Wetterhahn năm 1997, anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy tiết lộ chiến thuật của mình: "Điều quan trọng nhất là phát hiện kẻ thù trước, để có thể đạt tốc độ, độ cao lớn hơn và chiếm lợi thế. Chúng tôi đã rút được rất nhiều kinh nghiệm và học hỏi từ những trận không chiến nổi tiếng thời Thế chiến II giữa Liên Xô và phát xít Đức, cũng như những trận chiến ở Thái Bình Dương giữa các máy bay cánh quạt trang bị pháo. Ai khai hỏa trước, người đó thắng".
Ông Bảy kể lại trận không chiến ngày 16/9/1966, khi ông điều khiển chiếc MiG-17 công kích một tốp F-4 Mỹ. Phát hiện tiêm kích Việt Nam, các chiến đấu cơ Mỹ thả hết bom và thùng dầu phụ, ngoặt trái và leo cao, nhưng đây hóa ra là quyết định sai lầm, bởi động tác này khiến máy bay Mỹ bị giảm tốc độ và bị MiG-17 bắt kịp.
"Tất cả những gì tôi cần làm là áp sát ở khoảng cách 100-150 mét rồi bắt đầu khai hỏa. Tôi điều chỉnh đường ngắm bằng việc quan sát đường đạn", ông Bảy kể.
Sau loạt đạn đầu của chiếc MiG-17, tiêm kích F-4 Mỹ ngoặt gấp né tránh, nhưng lại bị ông Bảy bám sát. Ông lấy lại đường ngắm và tiếp tục khai hỏa, chiếc F-4 trúng đạn và rơi xuống đất.
Tiêm kích F-4 Mỹ ban đầu không được trang bị pháo mà chỉ gắn tên lửa đối không, khiến nó gặp bất lợi khi đối đầu với chiến thuật quần vòng của MiG-17. Các tên lửa đối không như AIM-7 Sparrow và AIM-9 Sidewinder của F-4 cũng chuyên đối phó oanh tạc cơ và tiêm kích từ xa, thay vì các mục tiêu cơ động liên tục ở tầm gần.
"Nếu phi công MiG-17 kịp phát hiện tên lửa đối không của địch, anh ta có thể ngoặt gấp và hạ độ cao để đánh bại nó", cựu sĩ quan hải quân Mỹ thừa nhận.
Trước những thiệt hại nặng nề do MiG-17 gây ra, hải quân và không quân Mỹ gấp rút phát triển chiến thuật đối phó, tập trung vào khả năng tăng tốc và leo cao vượt trội để chiếm ưu thế. Hai bên liên tục tìm cách khắc chế nhau, MiG-17 sau này chỉ tấn công máy bay Mỹ gần hết dầu đang trở về căn cứ.
Tới năm 1969, MiG-17 chủ yếu đảm nhận vai trò huấn luyện và hỗ trợ các đòn tấn công của MiG-19 và MiG-21. Không quân Việt Nam cũng quyết định chuyển một số máy bay MiG-17 làm nhiệm vụ tấn công tàu chiến bằng bom 250 kg với sự trợ giúp của chuyên gia Cuba.
Ngày 18/4/1972, biên đội MiG-17 của Trung đoàn tiêm kích 923 cơ động vào sân bay dã chiến Khe Gát ở Quảng Bình chờ thời cơ. Chiều 19/4, biên đội MiG-17 do phi công Lê Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy (B) tấn công, gây hư hại nặng cho tàu khu trục USS Higbee và tàu tuần dương USS Oklahoma City.
Việt Nam nhận bàn giao khoảng hơn 90 tiêm kích MiG-17 trong chiến tranh, 30 máy bay vẫn được sử dụng tới năm 1980. Chiếc MiG-17 cuối cùng được loại biên không lâu sau đó.
"MiG-17 có tác động lớn với Mỹ cả về mặt công nghệ và tác chiến. Nó buộc các chỉ huy phải thay đổi chiến thuật, tới mức vượt xa kỳ vọng với một nhóm nhỏ tiêm kích cổ lỗ như vậy. Mọi tiêm kích Mỹ ra đời sau năm 1965 đều trang bị pháo để cận chiến. MiG-17 có thể coi là tiêm kích gây tác động lớn nhất với thiết kế chiến đấu cơ Mỹ sau cuộc chiến tại Việt Nam", Schuster cho hay.
Vũ Anh (Theo History Net, AirspaceMag)