Đội hình xe Bumerang luôn đi cuối đoàn duyệt binh cơ giới
Xe thiết giáp chở quân Bumerang nằm trong số những khí tài hiện đại được Nga ra mắt trong lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng 2015. Tuy nhiên, khác với các dòng xe Armata và Kurganets-25, nó ít nhận được chú ý của khán giả xem duyệt binh, vì ba chiếc thiết giáp này tiến vào lễ đài ở cuối đội hình cơ giới, khi mọi người bắt đầu tập trung vào màn duyệt binh trên không, theo Military Today.
Xe thiết giáp Bumerang được Bộ Quốc phòng Nga phát triển từ năm 2011 nhằm thay thế cho mẫu xe thiết giáp chở quân (APC) BTR-80 đã trở nên lạc hậu.
Bumerang được phát triển song song với xe bọc thép bánh xích Kurganets-25, toàn bộ dự án được bảo mật ở mức tối đa. Chiếc Bumerang đầu tiên được giới thiệu cho quan chức quốc phòng Nga vào năm 2013, trước khi bàn giao quân đội để thử nghiệm và ra mắt công chúng trong lễ duyệt binh năm 2015.
Cùng năm đó, một loạt mẫu thử nghiệm được chuyển cho lực lượng vũ trang Nga. Đến đầu năm 2017, quá trình thử nghiệm tại các đơn vị vẫn đang tiếp tục. Nhà sản xuất dự kiến khởi động dây chuyền chế tạo hàng loạt trong vài năm tới.
Khi đi vào hoạt động, Bumerang sẽ thay thế cho toàn bộ các xe thiết giáp bánh lốp cũ của Nga, với số lượng ước tính lên tới hơn 2.000 chiếc các loại.
Xe thiết giáp Bumerang trên đường phố Moscow, Nga. Ảnh: Xuân Hoàn. |
Bumerang là thiết kế mới, hoàn toàn không dựa trên bất cứ mẫu thiết giáp cũ nào của Nga. Trên thực tế, nó mang một số đặc điểm của APC phương Tây. Một số linh kiện và hệ thống của Bumerang có thể hoán chuyển với xe Kurganets-25.
Động cơ của Bumerang được đặt ở phía trước thân xe, binh sĩ ra vào bằng cửa chạy điện phía sau. Bumerang có kíp lái ba người, gồm trưởng xe, pháo thủ và lái xe, cùng khả năng chuyên chở 9 lính bộ binh được trang bị đầy đủ. Các lỗ châu mai được loại bỏ để không ảnh hưởng tới giáp bảo vệ của xe.
Xe có thân và tháp pháo trang bị giáp hàn dạng module, cho phép điều chỉnh khả năng bảo vệ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Mức độ bảo vệ của Bumerang vẫn là tuyệt mật, nhưng nó được cho là có thể chặn được đạn 14,5 mm xuyên giáp ở cự ly gần.
Xe có thân hình chữ V, giúp giảm thiệt hại khi trúng mìn. Bumerang được trang bị khả năng phòng vệ hạt nhân, sinh học và hoá học, cùng hệ thống chữa cháy tự động. Một số chuyên gia cho rằng Bumerang có thể sử dụng tổ hợp phòng vệ chủ động Afghanit như xe tăng T-14 Armata.
Bumerang sử dụng hai loại tháp pháo tự động, giống các phiên bản Kurganets-25. Một mẫu sử dụng tháp pháo như chiếc Kurganets-25 BTR với súng máy 12,7 mm điều khiển từ xa. Mẫu còn lại trang bị bệ pháo 30 mm, súng máy đồng trục 7,62 mm và 4 ống phóng tên lửa chống tăng có điều khiển Kornet-EM.
Phiên bản thử nghiệm của Bumerang sử dụng hai loại động cơ diesel khác nhau, với công suất từ 510 đến 750 mã lực. Tới đầu năm 2017, chưa rõ động cơ nào sẽ được trang bị cho các phiên bản Bumerang hoàn thiện.
Dòng xe này sẽ thay thế các mẫu BTR-80 và BTR-82 của Nga hiện nay. Ảnh: Vitaly Kuzmin. |
Chiếc xe có cấu hình 8x8, được trang bị hệ thống bơm hơi ở tâm lốp xe, giúp nó có thể tiếp tục chạy ngay cả khi bị bắn thủng lốp. Dòng APB này có thể lội nước và cơ động bằng hai luồng phản lực nước. Nga nhiều khả năng sẽ triển khai Bumerang cho các lữ đoàn phản ứng nhanh, tương tự mô hình lữ đoàn Stryker của Mỹ.
Hòa Việt