Xe diệt tăng Nashorn trong bảo tàng
Sau khi xe tăng T-34 Liên Xô xuất hiện trên chiến trường, xe tăng phát xít Đức thường bị áp đảo về độ tin cậy và hỏa lực. Để khắc phục nhược điểm này, Đức nhanh chóng phát triển xe bọc thép diệt tăng, được thiết kế để tung đòn đánh lén từ vị trí ẩn nấp, theo War Is Boring.
Tuy nhiên, mẫu xe bọc thép diệt tăng đầu tiên mang tên Ferdinand của Đức lại là một thảm họa. Khi được triển khai trong trận vòng cung Kursk năm 1943, loại xe này liên tục hỏng hóc do lỗi kỹ thuật. Điều này thôi thúc Đức phát triển loại xe diệt tăng phù hợp hơn, trong đó Nashorn là một trong những thiết kế thành công nhất.
Xe diệt tăng Nashorn nặng 24 tấn được nhà máy Alkett chế tạo bằng cách kết hợp khung gầm cải tiến của tăng Panzer III/IV với pháo Pak 43/1 88 mm, một trong những vũ khí mạnh nhất của Đức trong Thế chiến II. Loại pháo này sau đó được tích hợp lên xe tăng Tiger II và xe diệt tăng Jagdpanther.
Tổng cộng có 473 chiếc Nashorn được chế tạo và biên chế vào đầu năm 1943. Chúng được coi là giải pháp tình thế, nhưng vẫn được sử dụng cho đến cuối Thế chiến II, gây thiệt hại nặng cho xe tăng Đồng minh và Liên Xô. Nashorn có giá rẻ và tiện sản xuất do thiết kế đơn giản, mang tính cách mạng. Xe còn được tích hợp thêm một súng máy MG-34 hoặc MG-43 để kíp xe tự vệ ở tầm gần.
Xe thiết giáp Nashorn được thiết kế để ẩn nấp, phục kích xe tăng đối phương từ khoảng cách hàng nghìn mét, bắn lén vào mục tiêu bằng khẩu pháo uy lực, sau đó nhanh chóng tẩu thoát. Nếu trưởng xe biết cách sử dụng hợp lý, nó là vũ khí rất nguy hiểm trên chiến trường.
Trong trận giao tranh ở Vitebsk năm 1943, Quân đoàn Panzer số 3 của Đức chiến đấu một cách tuyệt vọng khi bị đẩy vào thế phòng thủ. Tuy nhiên, kíp xe Nashorn do đại úy Albert Emst chỉ huy đã loại 14 xe tăng Liên Xô khỏi vòng chiến chỉ trong một ngày giao tranh.
Đến tháng 3/1945, một xe Nashorn khác bắn hạ xe tăng hạng nặng M-26 Pershing của Mỹ, một trong những dòng xe chịu tổn thất ít nhất trong Thế chiến II.
Điểm bất lợi của Nashorn là tháp pháo nằm cao, không có nóc, với lớp giáp chỉ dày 10 mm. Lớp giáp vỏ xe cũng chỉ dày 30 mm, chỉ chống được vũ khí bộ binh hạng nhẹ, nên Nashorn gần như không có cơ hội sống sót khi cận chiến với xe tăng đối phương. Một phiên bản cải tiến của Nashorn ra mắt tháng 5/1943 thay thế tấm giáp trước tháp pháo bằng lớp thép dày 15 mm.
Dù Nashorn còn tồn tại nhiều điểm hạn chế, đặc biệt là lớp giáp quá mỏng, nó vẫn là vũ khí giá rẻ và phát huy hiệu quả cao trong tác chiến tầm xa, chuyên gia quân sự Robert Beckhusen nhận định.
Duy Sơn