Mỹ từng nghiên cứu hàng loạt mẫu tên lửa phòng không tiên tiến để đối phó phi đội oanh tạc cơ hùng hậu của Liên Xô thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, chỉ một mẫu duy nhất mang biệt danh "Bomarc" được phân bổ ngân sách phát triển và đưa vào sản xuất.
Tên lửa này ban đầu mang tên mã XF-99, do không quân Mỹ tìm cách biến nó thành tiêm kích không người lái, trước khi được định danh lại là IM-99.
Năm 1952, tên lửa bay thử nghiệm lần đầu, nhưng quá trình phát triển vẫn kéo dài thêm nhiều năm. Biến thể hoàn chỉnh IM-99A được đưa vào biên chế năm 1959, trở thành tên lửa phòng không tầm xa đầu tiên đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu trên thế giới, cũng là tên lửa phòng không duy nhất do không quân Mỹ phát triển trong lịch sử.
Tên lửa IM-99A có tầm bắn 400 km, tốc độ tối đa 3.460 km/h. Nó có thể mang theo đầu đạn nổ mạnh nặng 453 kg hoặc đầu đạn hạt nhân W40 có sức công phá 10 kiloton, tương đương 10.000 tấn thuốc nổ TNT.
Các quả đạn IM-99A được đặt nằm ngang trong hầm trú có biệt danh "cỗ quan tài". Sau lệnh phóng, cửa hầm mở ra và tên lửa được nâng lên theo phương thẳng đứng. Nó rời bệ phóng bằng tên lửa đẩy dùng nhiên liệu lỏng LR59-AJ-13, sau đó động cơ phản lực dòng thẳng RJ43-MA-3 được kích hoạt giúp đạt tốc độ tối đa ở độ cao 20.000 m.
Khi cách mục tiêu 15 km, radar AN/DPN-34 trên quả đạn sẽ khởi động để dẫn đường cho tên lửa lao đến đích.
Để vận hành tên lửa Bomarc, Mỹ sử dụng hệ thống điều khiển tự động SAGE nhằm phát hiện, theo dõi và đánh chặn máy bay ném bom đối phương. SAGE cho phép ra lệnh phóng từ xa với tên lửa Bomarc sẵn sàng chiến đấu ở các hầm phóng riêng lẻ tại những khu vực hẻo lánh, với 14 trận địa ở Mỹ và hai ở Canada.
Tuy nhiên, IM-99A không phải giải pháp phòng thủ hoàn hảo. Nhiên liệu lỏng không thể nạp sẵn trong tầng đẩy sơ tốc, quá trình này mất khoảng hai phút và quá chậm so với yêu cầu đánh chặn chớp nhoáng. Bản thân nhiên liệu lỏng có tính ăn mòn và độc hại cao, gây nguy cơ mất an toàn trong quá trình chuẩn bị phóng.
Không quân Mỹ đã phát triển phiên bản sử dụng nhiên liệu rắn, kèm khả năng cơ động cao hơn và rút ngắn thời gian chuẩn bị phóng. Biến thể IM-99B ra đời và tạo ra bước nhảy vọt về khả năng tác chiến. Nó đạt tốc độ tối đa 3.705 km/h, tầm bắn 700 km và chỉ mang đầu đạn hạt nhân W40. Hệ thống dẫn đường trong pha cuối được cải tiến bằng radar AN/DPN-53 có tính năng vượt trội.
Tháng 6/1961, biến thể IM-99B được biên chế và nhanh chóng thay thế phần lớn quả đạn IM-99A.
Không chỉ giúp Mỹ phòng vệ từ xa, tên lửa Bomarc còn biến Canada thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Cuối năm 1963, nước này mua hai trung đoàn tên lửa IM-99B mang đầu đạn hạt nhân để thay tiêm kích đánh chặn CF-105 và đưa vào trực chiến suốt 9 năm. Các đầu đạn sau đó được cất trữ riêng và nằm dưới sự kiểm soát của Trung đoàn Bảo dưỡng Đạn dược số 425 không quân Mỹ ở bang New York.
Dòng tên lửa IM-99 sớm trở nên lỗi thời và bị loại biên cuối năm 1972. Chúng được hoán cải thành mục tiêu mô phỏng tên lửa chống hạm hạng nặng của Liên Xô như Kh-22 và KSR-5. Tổng cộng có trên 700 tên lửa Bomarc đã được Mỹ sản xuất.
Duy Sơn (Theo WATM)