"Đợt phóng thử nghiệm hôm 26/3 đã hoàn tất giai đoạn chứng nhận cấp nhà nước của tổ hợp phòng không S-350 Vityaz. Quá trình sản xuất hàng loạt hệ thống này cũng đã khởi động, những tổ hợp đầu tiên sẽ được bàn giao trong năm nay", Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexei Krivoruchko hôm 12/4 cho biết.
Giới chuyên gia đánh giá việc đưa tên lửa S-350 vào biên chế sẽ bổ sung năng lực đáng kể cho lưới phòng không đa tầng của Nga, vốn đang loại biên nhiều tổ hợp S-300PS và Buk-M1-2 lạc hậu có tuổi thọ 20-30 năm.
"Sở trường của S-350 là đánh chặn mục tiêu bay thấp, sát mặt đất như tên lửa hành trình tầm xa. Đây có thể coi là lá chắn cuối cùng để chặn đòn tấn công bằng lượng lớn tên lửa đối phương, giúp hệ thống S-400 rảnh tay đối phó với tên lửa đạn đạo, oanh tạc cơ và tiêm kích", cây bút Igor Rozin của RBTH nhận xét.
Tên lửa phòng không tầm trung S-350 Vityaz được tập đoàn Almaz-Antey phát triển từ năm 2009 trên cơ sở chương trình hợp tác phát triển tên lửa phòng không KM-SAM (Cheolmae-2) của Nga và Hàn Quốc. Loại vũ khí này được Moskva công khai lần đầu vào tháng 6/2013 trong chuyến thăm nhà máy Obukhov của Tổng thống Vladimir Putin.
"Phiên bản S-300PS ra đời từ năm 1985 và trải qua nhiều lần nâng cấp, chủ yếu tập trung vào trang bị radar và tên lửa có uy lực lớn hơn. Tuy nhiên, Nga đã chạm đến giới hạn công nghệ của nền tảng này với phiên bản S-300PMU-2 vào cuối thập niên 1990", nhà phân tích Mark Episkopos cho biết.
Điều này buộc tập đoàn Almaz-Antey phát triển dòng tên lửa dựa trên những nguyên lý tác chiến hiện đại trong thế kỷ 21. "Vityaz là hệ thống hoàn toàn mới, thay vì chỉ là phiên bản nâng cấp của tên lửa phòng không từ Liên Xô. Nó sở hữu uy lực vượt xa mẫu Buk-M3", chuyên gia quân sự Nga Andrei Frolov nhận xét.
Một tổ hợp S-350 gồm một xe chỉ huy 50K6E, hai radar cảnh giới và dẫn bắn 50N6E, cùng 8 xe phóng 50P6E với tối đa 96 quả đạn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Radar 50N6E ứng dụng công nghệ mảng pha quét điện tử thụ động (PESA), có khả năng bám bắt 40 mục tiêu cùng lúc và chọn ra 8 mục tiêu nguy hiểm nhất để dẫn bắn cho tên lửa. Điều này cho phép hệ thống S-350 có thể tấn công cùng lúc 16 máy bay hoặc 12 tên lửa đạn đạo, thay vì chỉ 6 mục tiêu như S-300PMU-2.
Mỗi xe phóng 50P6E có thể mang 12 quả đạn 9M96E/E2 hoặc 9M100 trong ống bảo quản kiêm bệ phóng, trong đó phiên bản 9M96E dùng chung với hệ thống S-400, đạt tầm bắn tối đa 120 km và trang bị đầu dò radar chủ động.
Đạn tên lửa 9M96E dùng phương thức va chạm trực tiếp để diệt mục tiêu bằng động năng, thay vì dựa vào đầu nổ mảnh như các tên lửa phòng không đời cũ. Nhà sản xuất cho biết mỗi tên lửa 9M96E có thể đạt tỷ lệ diệt mục tiêu 90% với máy bay và 70% với tên lửa Harpoon của Mỹ.
Hệ thống S-350 còn được trang bị tên lửa tầm ngắn 9M100 với tầm bắn tối đa 15 km. Quả đạn được lắp đầu dò hồng ngoại, cho phép nó tự bám theo mục tiêu mà không cần radar dẫn bắn sau khi phóng, đồng thời không đánh động chiến đấu cơ đối phương như tên lửa dẫn bắn bằng radar.
"Khả năng triển khai nhiều loại tên lửa biến S-350 Vityaz trở thành một trong những hệ thống phòng không linh hoạt nhất của Nga. Nó đủ sức đối phó với nhiều mối đe dọa hiện nay", Episkopos nói thêm.
Moskva không tiết lộ kế hoạch triển khai S-350. Nhiều khả năng nó sẽ được bố trí tại một số địa điểm nhạy cảm như Kaliningrad, nơi các hệ thống tầm xa như S-400 có thể gây lo ngại cho những quốc gia láng giềng.
Kế hoạch xuất khẩu Vityaz cũng chưa được công bố, nhưng sự phổ biến của các hệ thống S-300 có thể giúp S-350 tìm được chỗ đứng trên thị trường vũ khí quốc tế. "S-350 có mức giá rẻ hơn S-400 và chắc chắn sẽ thu hút được nhiều khách hàng trong tương lai", chuyên gia Frolov nhận định.
Vũ Anh (Theo RBTH)