Khi bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga không triển khai đơn vị tiêm kích hạng nặng MiG-31 nào gần biên giới nước này, do chúng chủ yếu chỉ thực hiện nhiệm vụ đánh chặn tầm xa.
Tuy nhiên, khi chiến sự bước sang tháng thứ 9, vai trò của MiG-31 đang dần thay đổi, khi Nga điều một số tiêm kích tới hai căn cứ gần Ukraine để tham chiến. Từ đây, các tiêm kích MiG-31BM xuất kích để thực hiện vai trò như chiến đấu cơ đa nhiệm Su-35S, với sự hỗ trợ của tên lửa đối không tầm xa R-37M có tầm bắn 200-300 km.
Báo cáo của Viện nghiên cứu Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) tại London cho biết không quân Nga (VKS) đang chia không phận tác chiến tại Ukraine thành 8 vùng, trong đó mỗi vùng được bố trí hai tiêm kích MiG-31BM hoặc Su-35S tuần tra liên tục.
Giới chuyên gia phương Tây cho rằng phi đội MiG-31BM đang đảm nhận nhiệm vụ quan trọng nhưng ít được biết đến, đó là sử dụng tên lửa R-37M đối phó chiến đấu cơ Ukraine từ ngoài tầm đánh chặn của đối phương. Mối đe dọa càng tăng cao với không quân Ukraine khi chiến đấu cơ đa năng Su-35S cũng có thể sử dụng loại tên lửa này.
"Các chuyến tuần tra đạt hiệu quả rất cao trong đối phó tiêm kích và cường kích Ukraine, trong đó tên lửa R-37M là mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng với không quân Ukraine. VKS từng khai hỏa 6 quả R-37M mỗi ngày trong tháng 10. Né tránh loại tên lửa này rất khó khăn, do chúng có tốc độ cao, tầm bắn hiệu quả lớn và đầu dò được thiết kế để diệt các mục tiêu bay thấp", báo cáo của RUSI có đoạn.
Tên lửa đối không tầm xa R-37M, còn có tên gọi khác là RVV-BD, được Viện thiết kế Vympel phát triển và được đưa vào biên chế không quân Nga từ năm 2014.
Nhà sản xuất cho biết quả đạn dài hơn 4 m, đường kính thân gần 0,4 m, nặng 510 kg và có tầm bắn tối đa 200 km. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết RVV-BD đạt tầm bắn tới 300 km và từng hạ mục tiêu ở khoảng cách 304 km trong thử nghiệm. Tên lửa trang bị đầu dò radar chủ động và bán chủ động ứng dụng nguyên lý "bắn và quên", có thể tự tìm tới mục tiêu sau khi được khai hỏa mà không cần phi công điều chỉnh.
Mỗi chiếc MiG-31BM có thể mang tối đa 6 tên lửa R-37M, trong khi Su-35S mang được 4 quả đạn ở giá treo dưới cánh và thân. Loại tên lửa này cũng nằm trong danh sách vũ khí cho chiến đấu cơ Su-57, nhưng phiên bản R-37M nguyên gốc có kích thước lớn và không thể giấu trong thân máy bay, ảnh hưởng tới khả năng tàng hình của mẫu phi cơ này.
Chuyên gia quân sự Mỹ Thomas Newdick cho rằng thách thức lớn nhất trong nhiệm vụ đánh chặn tầm xa là nhận diện mục tiêu và dẫn bắn tên lửa, nhất là khi khoảng cách lên tới 200 km và quả đạn có thể mất nhiều phút để tới đích. Môi trường tác chiến hỗn loạn, thay đổi liên tục với máy bay hai bên cùng hiện diện trong khu vực cũng đặt ra nhiều vấn đề cho hoạt động phân biệt địch - ta.
Tuy nhiên, với MiG-31 Nga tham chiến ở Ukraine, môi trường tác chiến đơn giản hơn nhiều. "Mọi thứ ở sâu trong lãnh thổ Ukraine đều là máy bay địch, bởi chiến đấu cơ Nga không thâm nhập sâu như vậy, trong khi hoạt động hàng không dân sự trên vùng trời Ukraine đã ngừng từ tháng 2", Newdick nhận định.
Các chuyên gia phương Tây cho rằng các phi đội MiG-31BM và Su-35S Nga trang bị tên lửa R-37M có khả năng kiểm soát khu vực rộng lớn ở đông và nam Ukraine, uy hiếp mọi máy bay được Kiev triển khai ở đây. Bộ Quốc phòng Nga từng nhiều lần tuyên bố tiêm kích MiG-31BM bắn rơi chiến đấu cơ Ukraine.
"Tên lửa R-37M cho phép những chiếc MiG-31BM và Su-35S tấn công máy bay Ukraine từ khoảng cách rất xa, không cần mạo hiểm tiến vào tầm bắn của lưới phòng không đối phương", Newdick nói thêm.
Tên lửa phòng không tầm xa nhất của Ukraine hiện nay vẫn là các hệ thống S-300P và S-300V1. Phòng không Ukraine sử dụng biến thể S-300P ra đời từ thời Liên Xô, sử dụng đạn 5V55R có tầm bắn 90 km. Các tổ hợp S-300V1 có tầm bắn xa hơn, nhưng cũng chỉ có thể hạ mục tiêu từ khoảng cách tối đa 100 km.
"Các hệ thống S-300 Ukraine đã bị tiêu hao đáng kể. Số lượng bệ phóng giới hạn khiến chúng được ưu tiên cho nhiệm vụ bảo vệ cơ sở hạ tầng trọng yếu và đối phó tên lửa đạn đạo, thay vì hiệp đồng với chiến đấu cơ. Năng lực chiến đấu của S-300 Ukraine cũng phải hạn chế, bởi chúng luôn là mục tiêu ưu tiên của không quân Nga. Điều đó khiến Ukraine chưa có phương án nào thực sự hiệu quả để đối phó với máy bay Nga trang bị tên lửa R-37M", Newdick cho hay.
Vũ Anh (Theo Drive)