"Lực lượng Nga chiều 22/4 thực hiện cuộc tấn công tên lửa nhằm vào hạ tầng truyền hình ở thành phố Kharkov. Dữ liệu điều tra cho thấy đối phương nhiều khả năng đã sử dụng tên lửa Kh-59", Văn phòng Tổng công tố Ukraine cho biết hôm nay.
Video được người dân Kharkov đăng trên mạng xã hội hôm 22/4 cho thấy nửa trên tháp truyền hình bị gãy và rơi xuống đất sau khi trúng tên lửa vào chính giữa. Vitaly Ganchev, quan chức do Nga bổ nhiệm tại tỉnh Kharkov, nói rằng tòa tháp được gắn nhiều thiết bị, trong đó có ăng-ten liên lạc và thiết bị điều phối hoạt động phòng không.
Bộ Quốc phòng Nga chưa lên tiếng về vụ tập kích. Các tài khoản ủng hộ quân đội Nga trên Telegram cũng nhận định rằng đòn tấn công được thực hiện bởi Kh-59, loại vũ khí từng nhiều lần tham chiến tại Ukraine.
Tên lửa hành trình chiến thuật Kh-59 được Phòng thiết kế (OKB) Raduga phát triển từ thập niên 1970 dựa trên nền tảng tên lửa Kh-25, nhằm cung cấp vũ khí tầm xa chính xác cao cho cường kích Su-24M và MiG-27. Mục tiêu chính của Kh-59 là các công trình trọng yếu trên mặt đất và cảng biển được phòng không bảo vệ, hoặc tàu chiến đang di chuyển trên biển.
Mẫu Kh-59 nguyên bản trang bị động cơ nhiên liệu rắn và tầng đẩy sơ cấp cũng dùng nhiên liệu rắn. Quả đạn được lắp cánh ổn định ở mũi và cánh lái sau đuôi, đạt tầm bắn 45 km và tốc độ hành trình khoảng 1.000 km/h. Tên lửa có thể bay ở độ cao 7 m so với mặt biển hoặc 100-1.000 m trên mặt đất trong quá trình tiếp cận mục tiêu.
Do thành phố Kharkov nằm cách biên giới Nga chỉ khoảng 30 km, máy bay Nga có thể phóng tên lửa Kh-59 tấn công tháp truyền hình ngay từ bên trong không phận của mình.
Tên lửa được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính cùng đầu dò quang - điện tử được phát triển bởi công ty Zverev ở Krasnogorsk. Mỗi quả được trang bị đầu nổ nặng 148 kg với lựa chọn xuyên phá hoặc đạn chùm.
Sau khi khai hỏa, tên lửa sẽ bay tới tọa độ nạp sẵn nhờ hệ thống định vị quán tính, trước khi kích hoạt đầu dò quang - điện tử ở khoảng cách 10 km. Hình ảnh từ đầu dò sẽ được chuyển về máy bay mang phóng thông qua đường truyền video trực tiếp, giúp phi công hoặc sĩ quan điều khiển vũ khí tìm kiếm và khóa mục tiêu, sau đó lệnh cho quả đạn lao tới đích.
Cơ chế này cho phép quả đạn đánh trúng vòng tròn có bán kính 2-3 m, miễn là kíp lái phát hiện được mục tiêu trong tầm quan sát của đầu dò tên lửa.
Tổ hợp Kh-59 nguyên bản được đưa vào biên chế không quân Liên Xô năm 1980, trang bị cho cường kích Su-24M. Loại tên lửa này cũng có thể trang bị cho cường kích Su-17M4 nhưng không được sử dụng trong thực tế. Các tiêm kích chiến thuật của Nga sau này như Su-25, Su-27SM, Su-30, Su-34 và Su-35S cũng có thể phóng tên lửa Kh-59, kết hợp cụm thu phát tín hiệu APK-9 để duy trì đường truyền dữ liệu với quả đạn.
Phiên bản nâng cấp Kh-59M được phát triển trong thập niên 1980 và ra mắt từ những năm 1990. Tầng đẩy sơ cấp của Kh-59 vẫn được giữ nguyên, nhưng động cơ nhiên liệu rắn được thay bằng động cơ tua-bin phản lực cỡ nhỏ gắn dưới thân, cho phép tăng tầm bắn lên 115 km. Đầu nổ của quả đạn cũng được tăng gấp đôi, lên 320 kg.
NPO Raduga năm 1999 ra mắt phiên bản Kh-59ME với tầm bắn 200 km dành cho thị trường xuất khẩu. Biến thể diệt hạm Kh-59MK được công bố sau đó, trang bị đầu dò radar chủ động thay cho quang - điện tử, bổ sung khả năng bắn và quên, đồng thời tầm bắn được nâng lên 285 km.
Phiên bản Kh-59MK2 tầm xa chuyên tấn công mục tiêu mặt đất được ra mắt tại triển lãm quốc phòng ở Moskva năm 2015. Quả đạn trang bị hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp định vị vệ tinh để bay tới khu vực mục tiêu, sau đó sử dụng cảm biến quang - điện tử có khả năng so sánh ảnh quang học kỹ thuật số (DSMAC) để lao trúng đích.
Cấu hình đầu dò mới khiến độ chính xác của Kh-59MK2 giảm xuống so với nguyên bản, quả đạn chỉ đánh trúng được vòng tròn bán kính 3-5 m. Đổi lại, tên lửa không cần phi công liên tục theo dõi mục tiêu, đồng thời giải phóng được giá treo vũ khí vốn dành cho cụm thu phát APK-9.
Tổ hợp Kh-59MK2 tiếp tục được chỉnh sửa toàn diện từ năm 2015, nhằm tích hợp tính năng tàng hình trước radar và cảm biến tầm nhiệt của đối phương, đồng thời cho phép tên lửa nằm gọn trong khoang vũ khí của tiêm kích tàng hình Su-57.
Nhà phát triển chỉ giữ lại hệ thống dẫn đường, phần vỏ tên lửa chuyển từ hình trụ tròn sang hình hộp thang, cặp cánh nâng và 4 cánh lái ở đuôi cũng được gấp gọn. Động cơ tua-bin phản lực được giấu vào đuôi tên lửa, thay vì nằm dưới thân như mẫu Kh-59MK2 nguyên bản.
Phiên bản Kh-59MK2 nâng cấp dành cho không quân Nga được Raduga đổi tên thành Kh-69, nhằm thể hiện đây là thiết kế gần như mới hoàn toàn so với các quả đạn có sẵn trong biên chế. Ngoài Su-57, các chiến đấu cơ như MiG-29K, Su-30, Su-34 và Su-35S cũng có thể sử dụng loại tên lửa này.
Vũ Anh (Theo Ukrainska Pravda, Rosoboronexport)