Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã phát triển bộ ba răn đe chiến lược gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trên mặt đất, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và oanh tạc cơ B-52 mang bom hạt nhân. Trong bộ ba này, oanh tạc cơ B-52 là vũ khí dễ tổn thương nhất do mạng lưới phòng không dày đặc của Liên Xô, buộc Mỹ phát triển vũ khí nhằm tăng cường khả năng sống sót cho phi đội máy bay chiến lược.
Độ chính xác thấp của vũ khí không đối đất vào thập niên 1960 khiến Mỹ quyết định phát triển tên lửa mang đầu đạn hạt nhân để chế áp lưới phòng không Liên Xô. Một tên lửa hạt nhân chiến thuật có thể hủy diệt hoàn toàn trận địa phòng không đe doạ máy bay B-52, mở đường cho oanh tạc cơ Mỹ vượt qua hệ thống phòng thủ đối phương.
Nhiệm vụ này ban đầu được dành cho tên lửa hạt nhân AGM-28 Hound Dog. Tuy nhiên, nó có kích thước quá lớn khi dài tới 13 mét và nặng hơn 4 tấn. Điều này khiến phần lớn máy bay Mỹ không thể trang bị hoặc mang được rất ít tên lửa AGM-28 trong một lần xuất kích.
Không quân Mỹ phải nhanh chóng phát triển vũ khí thay thế AGM-28 nhằm duy trì khả năng sống sót cho phi đội B-52. Tên lửa AGM-69 SRAM là câu trả lời, với phiên bản đầu tiên được đưa vào biên chế năm 1972.
Mỗi quả SRAM chỉ dài 4,3 mét và nặng 1,1 tấn, cho phép oanh tạc cơ B-52 mang được nhiều quả đạn trong khoang chứa bom. Ngoài nhiệm vụ chế áp hệ thống phòng không Liên Xô, AGM-69 SRAM cũng có thể được dùng để tấn công các mục tiêu chiến lược tương tự bom hạt nhân thông thường.
AGM-69 có tầm bắn 80-160 km tùy vào quỹ đạo bay và tốc độ tối đa 4.300 km/h. Tính năng bám địa hình của SRAM vẫn còn sơ khai, nhưng cũng tăng khả năng sống sót cho tên lửa. Dữ liệu mục tiêu sẽ được nạp vào quả đạn từ trước hoặc trong quá trình làm nhiệm vụ.
Sau khi rời máy bay, tên lửa tự động bay đến mục tiêu với khả năng đánh trúng đích trong vòng tròn có bán kính 400 m. Không quân Mỹ coi đây là sai số chấp nhận được bởi đầu đạn hạt nhân W69 của SRAM có sức công phá tới 210 kiloton, gấp 14 lần quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima năm 1945.
AGM-69 ban đầu được thiết kế dành riêng cho oanh tạc cơ B-52G và B-52H, sau đó xuất hiện cả trên máy bom ném bom chiến lược FB-111 và B-1B. Mỗi chiếc B-52 có thể mang 20 quả đạn SRAM trong khoang bom và dưới cánh, trong khi một máy bay B-1B có thể chứa đến 24 tên lửa trong thân.
SRAM là vũ khí hữu dụng của không quân Mỹ để đối phó phòng không Liên Xô suốt 10 năm. Tuy nhiên, sự xuất hiện của tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân AGM-86B vào năm 1982 khiến SRAM trở nên lỗi thời.
Điểm mạnh của AGM-86B là tầm bắn tới 2.400 km, cho phép máy bay B-52 và B-1B phóng đạn từ ngoài tầm bắn của tên lửa phòng không Liên Xô. Căng thẳng suy giảm trong giai đoạn cuối Chiến tranh Lạnh cũng làm SRAM không còn nhiều tác dụng.
Năm 1990, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Dick Cheney yêu cầu tháo bỏ toàn bộ tên lửa SRAM trên các máy bay trực chiến do lo ngại về độ an toàn của vũ khí này khi xảy ra hoả hoạn. Đầu đạn W69 được thiết kế với tiêu chuẩn và công nghệ lạc hậu, có thể làm rò rỉ nhiều chất phóng xạ nếu bị đốt cháy.
Năm 1993, kho tên lửa SRAM của Mỹ rơi vào tình trạng đáng lo ngại. Ngoài đầu đạn W69 kém an toàn, động cơ tên lửa cũng xuống cấp nghiêm trọng do không được bảo dưỡng, thậm chí nhiều quả đạn còn xuất hiện các vết nứt.
Những tên lửa này có nguy cơ phát nổ ngay khi rời bệ phóng, phá huỷ oanh tạc cơ và phát tán chất phóng xạ. Với nguồn ngân sách quốc phòng bị cắt giảm mạnh sau Chiến tranh Lạnh, không quân Mỹ đã loại biên và tiêu hủy toàn bộ số tên lửa AGM-69 SRAM vào cuối năm 1993.
Lã Linh (Theo Drive)