Bộ Quốc phòng Nga ngày 28/7 thông báo quân đội nước này chặn hai tên lửa phòng không S-200 đã hoán cải của Ukraine trong vụ tập kích nhằm vào tỉnh Rostov. Mảnh vỡ rơi xuống thành phố Taganrog và khu vực gần thị trấn Azov của tỉnh Rostov, nằm cách tiền tuyến hàng trăm km.
Tên lửa phòng không S-200, vốn do Liên Xô thiết kế năm 1964 và biên chế năm 1967, nhiều khả năng được quân đội Ukraine chỉnh sửa để có thể tiến hành các vụ tập kích ở khoảng cách lớn, trong khi chờ phương Tây cung cấp tên lửa tầm xa hiện đại.
Biên tập viên David Axe của Forbes nhận định việc hoán cải tên lửa S-200 để tập kích mặt đất không phải không có tiền lệ, khi Nga cũng đã khai hỏa tên lửa phòng không S-300 tấn công các đô thị Ukraine.
S-200 là hệ thống tên lửa phòng không sử dụng đạn V-860 và V-880 có kích thước lớn, dài hơn 9 mét, nặng khoảng 7 tấn, mang theo đầu đạn nổ phân mảnh nặng 217 kg.
Kíp vận hành S-200 sử dụng xe đầu kéo hạng nặng để di chuyển bệ phóng cùng radar P-14/5N84A 5N62. Radar cảnh giới P-14/5N84A có thể phát hiện mục tiêu cách hàng trăm km, trong khi radar dẫn bắn 5N62 chỉ thị mục tiêu cho đạn tên lửa. Trong nhiệm vụ phòng không, tổ hợp S-200 có thể đánh trúng mục tiêu cách xa khoảng 300 km ở độ cao 40.000 mét.
Tuy nhiên, tên lửa này không có nhiều khác biệt so với các hệ thống tấn công mặt đất. Kích thước quả đạn lớn và đầu đạn uy lực có thể tấn công mục tiêu dưới mặt đất ở khoảng cách xa. Lượng nhiên liệu còn lại trong thùng chứa vào thời điểm tên lửa đánh trúng mục tiêu sẽ gây hỏa hoạn, thậm chí dẫn tới các vụ nổ thứ cấp sau đó.
Tuy nhiên, để sử dụng S-200 tấn công mục tiêu mặt đất, Ukraine sẽ phải thay đổi một số tính năng trong hệ thống dẫn đường.
Đạn tên lửa S-200 có một máy phát riêng để cấp điện cho hệ thống dẫn đường, nhưng lượng nhiên liệu trong máy phát có thể không đủ cho một đòn tập kích tầm xa. Do đó Ukraine có thể thay hệ thống điều khiển cỡ lớn trên đạn V-860 và V-880 bằng một thiết bị định vị GPS cỡ nhỏ để tăng khả năng dẫn đường cho tên lửa đến mục tiêu mặt đất ở khoảng cách xa.
Hiện chưa rõ Ukraine sở hữu bao nhiêu tổ hợp S-200 cũng như số lượng đạn tên lửa của chúng. Ukraine được cho là đang niêm cất hàng trăm quả đạn, cùng một số hệ thống được các đồng minh từng thuộc khối Hiệp ước Warsaw viện trợ.
Dù S-200 hoán cải với tuổi đời gần 60 năm không thể chính xác như Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) phóng từ pháo phản lực HIMARS của Mỹ, loại vũ khí này vẫn có thể giúp Ukraine tiến hành các đòn tập kích tầm xa với chi phí rẻ và kho dự trữ dồi dào.
Ukraine cũng không gặp phải ràng buộc khi dùng S-200 tập kích lãnh thổ Nga như các loại vũ khí được phương Tây viện trợ.
Hiện chưa rõ mục tiêu của tên lửa S-200 Ukraine bị Nga đánh chặn ở Taganrog tuần trước. Biên tập viên David Axe cho rằng tên lửa có thể nhằm vào căn cứ không quân Taganrog, nơi có máy bay không người lái (UAV) Kronshtadt Orion, oanh tạc cơ Tu-95, vận tải cơ Il-76 và nhiều loại máy bay khác của Nga.
Tên lửa hoán cải có thể được phóng từ thành phố Dipro của Ukraine, nơi quân đội Liên Xô từng bố trí một khẩu đội S-200. Trận địa này có thể được Ukraine tái kích hoạt để tập kích mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga.
"Tên lửa V-860 hoặc V-880 sẽ phát huy hiệu quả khi tập kích vào một căn cứ không quân đông đúc, với oanh tạc cơ và vận tải cơ được nạp đầy nhiên liệu đậu nối đuôi nhau", Axe nhận định. "Tuy nhiên, hệ thống dẫn đường hoán cải có thể không chính xác, khiến chúng dễ trượt mục tiêu".
Nguyễn Tiến (Theo Forbes)