Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm 13/3 ký hợp đồng đặt mua số lượng lớn Tên lửa Tiến công Liên quân (JSM) do tập đoàn Kongsberg của Na Uy chế tạo để trang bị cho phi đội 147 siêu tiêm kích F-35. Số tên lửa này được kỳ vọng không chỉ tăng cường khả năng tác chiến của quân đội Nhật Bản, mà còn đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chính sách quốc phòng của nước này, theo Drive.
JSM được Kongsberg phát triển từ nền tảng tên lửa chống hạm NSM với sự hỗ trợ từ tập đoàn Raytheon của Mỹ. Tên lửa có tầm bắn tối đa 560 km, khoảng cách này giảm xuống một nửa nếu bay ở độ cao nhỏ để tránh lưới phòng không đối phương.
Mỗi quả JSM được lắp đầu đạn nổ văng mảnh nặng 230 kg, trang bị hệ thống dẫn đường kết hợp giữa định vị toàn cầu (GPS), quán tính và chụp ảnh địa hình, giúp tên lửa đánh trúng mục tiêu trong môi trường GPS bị gây nhiễu nghiêm trọng.
Đầu dò ảnh nhiệt (IIR) giúp tăng đáng kể độ chính xác trong pha cuối khi quả đạn lao tới mục tiêu. Tên lửa được trang bị đường truyền dữ liệu hai chiều để duy trì kết nối với tiêm kích F-35, cho phép phi công cập nhật dữ liệu tác chiến, hủy nhiệm vụ hoặc thay đổi mục tiêu giữa hành trình.
JSM có khả năng cơ động cao với tốc độ cận âm, đủ sức bay bám địa hình để tránh bị phát hiện. Tên lửa có kích thước và diện tích phản xạ radar nhỏ, được thiết kế để nằm gọn trong thân chiến đấu cơ F-35 hoặc treo dưới cánh nhiều tiêm kích chiến thuật khác.
"Đây là vũ khí đa nhiệm, vừa có thể diệt hạm vừa đủ sức tấn công nhiều mục tiêu mặt đất ở sâu trong lãnh thổ đối phương. Nó đánh dấu lần đầu tiên Nhật Bản sở hữu tên lửa hành trình tấn công mặt đất, trang bị cho tiêm kích hiện đại nhất lịch sử nước này và mang lại khả năng tung đòn phủ đầu đầy uy lực cho Tokyo", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận xét.
Quân đội Nhật Bản trong hàng chục năm qua không sở hữu vũ khí tiến công do quy định trong hiến pháp hòa bình được thông qua sau Thế chiến II. Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản đang tìm cách thay đổi chính sách quốc phòng, điển hình là quyết định biến khu trục hạm trực thăng lớp Izumo thành tàu sân bay. Sau khi hoán cải, hai tàu sân bay lớp Izumo sẽ được trang bị tối đa 40 tiêm kích F-35B, đánh dấu lần đầu Tokyo có hàng không mẫu hạm mang chiến đấu cơ cánh bằng từ sau Thế chiến II.
Nhật Bản luôn đề cao chiến lược phòng thủ, ngăn các cuộc tấn công từ hướng biển, trong đó chú trọng triển khai tiêm kích hiện đại, có thể tấn công tàu chiến đối phương bằng tên lửa hành trình tầm xa. Tuy nhiên, năng lực tiến công của Tokyo trước đây chỉ giới hạn với mục tiêu trên biển.
"Mối đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên, Trung Quốc và thậm chí là Nga thúc đẩy Nhật Bản xem xét giải pháp tấn công trực tiếp lãnh thổ đối phương và đối phó với các hệ thống phòng không tầm xa", Rogoway đánh giá. Sự kết hợp giữa phạm vi hoạt động của tiêm kích tàng hình F-35 và tầm bắn của tên lửa JSM sẽ cho phép Nhật bí mật tấn công mục tiêu trong bán kính tới 1.600 km.
Ngoài phi đội F-35, tên lửa JSM cũng có thể được lắp đặt trên tiêm kích thế hệ 4 như F-15J hay Mitsubushi F-2, tăng tối đa hiệu quả tác chiến trong kịch bản đối đầu với các cường quốc khu vực.
"Việc công bố hợp đồng mua tên lửa JSM cũng cho thấy Nhật Bản sẵn sàng theo đuổi các dự án vũ khí tiến công tầm xa như tên lửa hành trình phóng từ máy bay AGM-158B JASSM-ER, hoặc Tomahawk Block IV để trang bị cho khu trục hạm Aegis và lá chắn tên lửa mặt đất Aegis Ashore trong tương lai", chuyên gia Rogoway nhận định.