Trong chiến tranh tại Chechnya, quân đội Nga đã tìm kiếm một mẫu súng trường có thể tiêu diệt hiệu quả lực lượng đối phương từ khoảng cách xa. Một trong những tiêu chí lựa chọn là súng có thể tiêu diệt kẻ thù dù đạn không trúng bất cứ bộ phận hiểm yếu nào trên cơ thể.
Đây là lý do các hãng vũ khí Nga quyết định thiết kế mẫu súng lấy cảm hứng từ súng trường bắn tỉa mạnh nhất của nước ngoài sử dụng đạn .50 BMG 12.7×99 mm, như khẩu Barret M82/M107 của Mỹ, vốn có khả năng hạ mục tiêu cách xa vài km.
Súng trường Bắn tỉa Cỡ nòng lớn của Quân đội (ASVK) ra đời, sử dụng đạn cỡ 12,7x108 mm, trở thành vũ khí bắn tỉa mạnh nhất của Nga khi có thể xuyên thủng dễ dàng tấm thép dày 20 mm ở khoảng cách 500 m.
Đây là loại đạn từng được sử dụng cho các mẫu súng trường diệt tăng và đại liên hạng nặng do Liên Xô và Nga sản xuất, trong đó có DShK, NSV và Kord, với giá khoảng 30-40 USD/viên.
ASVK sử dụng thiết kế kiểu bullpup, với hộp tiếp đạn được đặt phía sau cò súng hoặc "tích hợp" vào báng súng. Thiết kế bullpup giúp tăng đáng kể chiều dài nòng súng trong khi vẫn giữ nguyên kích thước tổng thể. Tổng chiều dài của ASVK là 1,35 m, trong đó nòng súng dài một mét.
Nòng súng của ASVK được làm dày dặn, có khối lượng lớn để giảm độ giật khi bắn. Ngoài ra, chụp bù giật cỡ lớn ở đầu nòng có thể giúp giảm độ giật xuống 2,5 lần. Phần đệm đế báng súng được làm bằng vật liệu xốp đặc biệt, góp phần triệt tiêu lực giật tác động lên vai xạ thủ.
Nòng súng được gắn cố định với buồng đạn, song gần như không tiếp xúc với các bộ phận khác của súng.
Hộp tiếp đạn cứng cáp, nòng nặng và cơ chế lên đạn thủ công giúp tăng độ chính xác của ASVK trong tác chiến. Tay kéo bệ khóa nòng và chốt an toàn được bố trí bên phải thân súng.
ASVK và các biến thể được quân đội Nga và hai nước khác sử dụng, chủ yếu cho nhiệm vụ chống bắn tỉa, tiêu diệt thiết giáp hạng nhẹ và các ổ đại liên của đối phương từ khoảng cách 1,5-2 km.
Yuri Sinichkin, cựu xạ thủ bắn tỉa Nga, cho rằng ASVK mạnh hơn các mẫu súng trường bắn đạn 12,7 mm của Mỹ và châu Âu, rất phù hợp để loại bỏ thiết giáp hạng nhẹ của đối phương từ khoảng cách xa. Tuy nhiên, nó còn tồn tại một số nhược điểm đáng kể.
Nhược điểm lớn nhất của ASVK là độ chính xác không cao, thậm chí không đáp ứng được yêu cầu của xạ thủ bắn tỉa trong điều kiện thực chiến. "Đạn lệch tới 2 độ, nghĩa là bạn chỉ có thể bắn trúng mục tiêu cỡ lớn ở khoảng cách một km, bởi đạn có thể chệch rất xa so với mục tiêu", Sinichkin nói.
Một nhược điểm khác của ASVK là giá thành đắt đỏ, khoảng 37.000 USD một khẩu, tương đương các mẫu súng trường bắn tỉa hạng nặng của những hãng đối thủ như Barret và Accuracy International. Đạn của mẫu súng này cũng rất đắt, hạn chế đáng kể khả năng luyện tập của người bắn.
"Với số tiền này, tôi thà mua súng trường của Mỹ vì chúng vượt trội về công năng và kỹ thuật so với ASVK", cựu xạ thủ Nga cho biết.
Nguyễn Tiến (Theo RBTH)