Khoảng chục năm trước, đi du lịch một mình (đặc biệt là con gái) vẫn còn là hiện tượng lạ. Khi nghe ai đó đi chơi xa một mình, người đời thường mỉa mai những điều không hay. Chẳng hạn như: "Đi chơi một mình mà vui gì", "Một mình nguy hiểm lắm, coi chừng bị bắt cóc". Giờ thì, với cảm hứng từ cuốn "Xách ba lô lên và đi" của Huyền Chip, cộng thêm sự phát triển của Internet và thông tin vô hạn về du lịch, việc đi lang bạt đây đó một mình hay du lịch solo không còn là chuyện hiếm và lạ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thắc mắc: tại sao có người lại muốn du lịch solo?
Trải nghiệm và kinh nghiệm du lịch của tôi chưa gọi là nhiều so với nhiều người khác nhưng tôi luôn trân trọng mỗi phút giây được lang thang ở nơi mới lạ. Mỗi lần đến vùng đất khác, tôi cảm thấy mình được sinh ra thêm lần nữa. Dẫu từng tham gia với đoàn du lịch trên 50 người, hoặc nhóm bạn bè gần chục người, hay hai người, nhưng khoảnh khắc du lịch một mình vẫn luôn là điểm son trong ký ức của tôi về một thời tuổi trẻ đáng nhớ! Dưới đây là điều tôi chiêm nghiệm về những chuyến đi một mình.
Nâng cao tính độc lập và không phụ thuộc
Khi bản thân phải tự tìm hiểu thông tin, đưa ra mọi quyết định, đảm bảo an toàn của bản thân, và phải sẵn sàng xử lý điều không hay xảy ra bất cứ lúc nào, tôi buộc phải "liều", mạnh mẽ, tư duy kỹ lưỡng và linh động.
Tôi còn nhớ phút quyết định sang Campuchia một mình "dạo chơi" vào chín năm trước, sau khi nghe xung quanh đồn thổi là con gái hay bị bắt cóc bán sang đó và bị ép làm việc ở nhà thổ. Lúc ấy, tôi tìm hiểu thông tin qua các đại lý xe bus và nhận ra mọi sự dễ dàng hơn mình tưởng. Tận dụng ngày nghỉ phép, tôi lên đường.
Quan sát và chiêm nghiệm nhiều hơn về cuộc sống
Khi không có ai đi cùng để chuyện phiếm, chụp hình qua lại, tranh luận xem đi đâu và ăn gì khi mỗi người một ý, tôi dành phần lớn thời gian để ngắm cảnh, quan sát sự vật và con người ở vùng đất mới lâu hơn.
Tháng một năm ấy, tôi từ TP HCM bay ra Hà Nội và đón xe ở Giáp Bát đi Mộc Châu. Cái lạnh đầu năm khiến cư dân từ miền Nam như tôi cảm thấy run rẩy, phải mua chiếc áo ấm chắn gió chuyên dụng bên vệ đường ở Mộc Châu. Nhưng không vì thế mà tôi chùn bước. Cưỡi chiếc xe máy thuê lại từ nhà nghỉ với sự trợ giúp của tấm bản đồ giấy, tôi bon bon chạy từ khi trời còn mù sương sớm. Tôi đến thăm đồi chè rộng bát ngát xanh tươi, thảo nguyên đẹp như cổ tích, thảm hoa cúc dưới thung lũng rực rỡ, vào làng của người bản địa mộc mạc, và đến chợ phiên Pà Cò để ngắm lối sống của bà con H’Mông.
Từ Mộc Châu di chuyển lên Điện Biên, tôi cảm thấy rất đỗi thiêng liêng khi đứng trên đồi A1 ngắm các hầm, hố và tưởng tượng nên trận đánh Điện Biên Phủ năm nào, sau đó là thăm Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ với kiến trúc đẹp, hoành tráng. Dẫu không chụp nhiều hình, và thậm chí ảnh đã mất theo bộ nhớ ngoài, nét đẹp của thiên nhiên đất trời và con người ở đó vẫn còn sâu trong tâm trí tôi. Ấy là nhờ tôi không bị phân tán khi ngắm nhìn và cảm nhận mọi sự xung quanh khi chỉ một mình.
Nâng cao kỹ năng giao tiếp
Dĩ nhiên, sau một thời gian quan sát mọi sự và nghĩ suy về cuộc đời "chỉ mình ta", ắt hẳn tôi cũng có nhu cầu nói chuyện với ai đó. Dễ thôi, tấp vào một hàng nước trên lề đường ở Điện Biên, "tám" chuyện với chủ quán. Khi nghe giọng của khách phương xa đến thăm quê mình, ai nấy đều thân thiện và mở rộng trái tim chào đón. Vì thế, tôi chỉ sợ không có đủ thời gian để trò chuyện nhiều thêm.
Ở Campuchia, tôi kết bạn với một cô gái Mỹ dạy tiếng Anh ở Phnom Penh tại bến xe Siem Reap. Đồng hành cùng nhau hai ngày sau đó khi cùng thăm Angkor Wat, mỗi người đều tiết kiệm được tiền di chuyển vì chia nhau trả.
Ở Phú Quốc, tôi tìm thông tin trên couchsurfing (mạng xã hội mà các thành viên có thể xin ở lại nhà của nhau miễn phí khi du lịch). Tôi dò tìm được một chủ nhà là người Australia dạy tiếng Anh ở đảo ngọc. Đến nhà anh chàng ở vài ngày, tôi có dịp được gặp những khách du lịch thú vị từ Mỹ, Slovakia và Canada. Vừa tiết kiệm tiền ở, vừa có dịp chia sẻ văn hóa Việt Nam cho những người bạn phương xa.
Ở hostel (dịch vụ cho thuê giường như trong ký túc xá) tại phố cổ Hà Nội, tôi ở chung phòng với những người bạn solo giống tôi từ Trung Quốc, Hàn Quốc và cùng đi thăm Khu di tích Phủ Chủ tịch cùng nhau. Tôi còn nhớ như in cậu trai gốc Hàn mũm mĩm luyên thuyên không ngớt đến ba giờ sáng bằng tiếng Việt lơ lớ: "Chị ơi, tại sao ở Việt Nam thế này? Chị ơi, sao lại thế kia?". Dẫu có bực mình nhưng sự đáng yêu của cậu bé chưa tới đôi mươi khiến tôi mát lòng.
Cải thiện kỹ năng xử lý tình huống
Năm 2014, tôi đón tàu từ lễ hội pop and rock Woodstock Ba Lan sang Berlin, Đức chơi chỉ một mình để trốn sự náo nhiệt ồn ào. Đó là lễ hội ngoài trời lớn nhất ở châu Âu trong ba ngày với 750.000 người tham dự năm đó. Sau khi đi bộ quanh trung tâm ngắm các nghệ sỹ đường phố biểu diễn và vài tòa nhà lịch sử khác, tôi đón tàu trở lại Ba Lan.
Tôi đã rất chủ quan nghĩ rằng chỉ có một nhà ga để đến nên không bận tâm cái tên tiếng Đức dài ngoằng và khó nhớ. Bước lên tàu mua vé mới biết tôi đã lầm. Không có điện thoại thông minh bên mình, tôi đành phải đi lòng vòng để tìm người "biết chuyện". May mắn thay, tôi nghe thoáng qua một nhóm người nói tiếng Việt với nhau đang ngồi xem kịch câm, tôi tấp lại trò chuyện và được giúp đỡ thông tin để tìm được lối về.
Lần ở Siem Reap, tôi đặt phòng khách sạn và nhận được phản hồi là sẽ có người đến bến xe đón. Kết quả là tôi hồi hộp chờ đến giây phút cuối cùng mà không ai xuất hiện, bến xe ở nơi tối tăm hoang vắng với vài tài xế xe ôm tranh giành khách kịch liệt. Tôi đành phải đi theo người khách cuối cùng là cô nàng gốc Mỹ để thoát khỏi vòng vây xe ôm. May mắn, tôi chưa trả tiền khách sạn. Từ đó, bài học tôi rút ra là không bao giờ chủ quan, đời ai biết hết chữ ngờ.
"Gặm nhấm" nỗi cô đơn một cách tích cực
Là khách duy nhất trong căn nhà chung có sức chứa 50 người rộng thênh thang tại một homestay ở Mộc Châu, tôi chồng các tấm nệm lên cao ở một góc nhà và co người nằm trong cái lạnh mơn man với bóng tối lờ mờ. Thỉnh thoảng, tiếng động do gió rít quất lên mái nhà khiến tôi "thắt tim".
Nhưng sau tất cả, tôi thấy mình lời to vì trả tiền một suất mà được cung ứng cả cái nhà cho 50 người. Hơn nữa, tôi có thời gian để chiêm nghiệm về công việc, gia đình, bạn bè, cuộc sống trong không khí yên tĩnh và không bị áp lực như thường ngày. Tôi cảm thấy mình sáng suốt hẳn. Những điều tưởng như phiền muộn trước đó cũng trở nên vô vị. Tôi ngẫm rằng, nếu có thể vượt qua cảm giác cô đơn ở hoàn cảnh như thế, không có gì có thể làm khó tôi được nữa.
Mở mang nhân sinh quan và trưởng thành hơn
Một dịp, tôi nhận việc bán thời gian cho dự án phi lợi nhuận. Ở tuổi 22, tôi vác ba lô và rong ruổi cùng xe ôm trên các ngả đường đất bụi ở gần chục tỉnh miền Tây Nam Bộ. Công việc của tôi là tìm gặp và phỏng vấn nghệ nhân ở làng nghề truyền thống, người già và trẻ em mồ côi ở những Trung tâm cứu trợ, cán bộ ở Hội chữ Thập đỏ rồi chụp hình, viết bài về họ để kết nối với người hỗ trợ. Hành trình có lúc thuận tiện, có lúc gặp khó khăn không ít. Thế nhưng, cuối chặng đường, tôi tin là mình đã trở thành người khác: có động lực để sống đẹp - sống có ích cho đời, dám xông pha hơn và không còn ngại khó ngại khổ.
Dĩ nhiên, một điều không thể chối cãi rằng du lịch một mình tiềm ẩn rủi ro lớn về an toàn. Tuy nhiên, không vì thế mà tôi nghĩ rằng bản thân không làm được. Một khi bản thân chuẩn bị kế hoạch kỹ lưỡng, vẽ ra các phương án xử lý tình huống xấu, và không quá "liều mạng" thực hiện điều biết trước là nguy hiểm, tôi tin bạn đã có thể lên đường solo. Bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân là cách duy nhất để phát triển trên đường đời.
Giờ đây, khi tôi có gia đình, các chuyến du lịch đa số là theo "cặp đôi" với những cung bậc thú vị riêng. Tuy nhiên, nếu bạn chưa lập gia đình và đang có tinh thần sung sức muốn khám phá bầu trời này với ngân sách có hạn, du lịch "bụi" solo là một gợi ý hay.
Độc giả Nguyễn Thị Diễm Trang