Cường kích Su-22 Syria tấn công quân nổi dậy hồi năm 2016. Video: SyAF.
Quân đội Israel hôm 24/7 tuyên bố bắn hạ một cường kích của không quân Syria, cho rằng máy bay đã xâm phạm không phận Israel trên cao nguyên Golan, trong khi Damascus bác bỏ, khẳng định phi cơ đang thực hiện nhiệm vụ không kích phiến quân tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, AFP đưa tin.
Máy bay sau đó được xác nhận là Su-22, một trong hai dòng cường kích chủ lực trong biên chế không quân Syria. Đây là biến thể xuất khẩu của cường kích Su-17, loại máy bay đầu tiên ứng dụng công nghệ cánh cụp cánh xòe của Liên Xô, được sản xuất trong giai đoạn 1969-1990.
Su-17 được phát triển từ dòng tiêm kích bom Su-7B, nhằm cải thiện khả năng kiểm soát máy bay ở tốc độ thấp, cũng như giảm tốc độ cất hạ cánh của phi cơ. Năm 1963, Phòng thiết kế (OKB) Sukhoi bắt đầu chế tạo nguyên mẫu Su-7IG, tiền thân của Su-17, với sự hỗ trợ của Viện Khí động học Trung ương (TsAGI).
Chiếc Su-7IG được hoán cải từ một tiêm kích bom Su-7BM với phần gốc cánh cố định, trong khi phần còn lại có thể di chuyển để tạo góc cụp 28, 45 và 62 độ so với gốc cánh. Cấu tạo cánh mới cũng được trang bị cánh tà trước và sau để tăng khả năng cơ động ở tốc độ nhỏ.
Nguyên mẫu Su-7IG thực hiện chuyến bay lần đầu vào ngày 2/8/1966 dưới sự điều khiển của phi công thử nghiệm Vladimir Sergeyevich Ilyushin, trở thành máy bay cánh cụp cánh xòe đầu tiên của Liên Xô. Các thử nghiệm cho thấy tốc độ cất hạ cánh của Su-7IG giảm được 50-60 km/h so với tiêm kích bom Su-7 nguyên gốc, hạn chế nguy hiểm trong quá trình vận hành.
Tính năng đặc biệt của thiết kế cánh cụp cánh xòe. Video: Wings of Russia.
"Nguyên lý cánh cụp cánh xòe ứng dụng trên Su-17 cho phép các nhà thiết kế Liên Xô giải quyết hàng loạt vấn đề nan giải", nhà phân tích quân sự Andrei Kotz cho biết.
Trước đó, các tiêm kích chỉ có hai thiết kế cánh cơ bản là cánh thẳng và cánh cụp. Cánh thẳng giúp máy bay có hệ số lực nâng cao, dễ dàng cất cánh, đặc biệt khi tiêm kích nạp đầy đạn dược và nhiên liệu, cũng như tạo sự ổn định ở tốc độ hạ âm, nhưng tạo ra lực cản rất lớn khi máy bay đạt vận tốc siêu thanh. Trong khi đó, cánh cụp nằm lệnh góc với chiều dọc thân máy bay có thể giúp tiêm kích đạt tốc độ cao và có khả năng chống nhiễu loạn không khí tốt hơn, nhưng lực nâng của chúng khi cất cánh không cao.
Thiết kế cánh cụp cánh xòe, còn được gọi là "đôi cánh ma thuật", kết hợp ưu điểm và loại bỏ nhược điểm của cả hai nguyên lý trên, mang lại nhiều ưu thế cho Su-17, tạo nên bước phát triển đột phá cho ngành hàng không quân sự Liên Xô.
Cơ cấu cánh cụp cánh xòe bao gồm trục bản lề quay cánh, bộ phận cánh trong, cánh giữa và cơ chế xoay. Khi cất hạ cánh, phi công đưa cánh vào vị trí xòe thẳng để tăng tối đa lực nâng, rút ngắn quãng đường cất hạ cánh. Trong khi bay, đôi cánh sẽ dần thu về phía sau để giảm sức cản, tốc độ lớn của tiêm kích sẽ bù lại lực nâng bị mất do cánh cụp. Khi đạt tới tốc độ siêu thanh, cánh máy bay sẽ ở vị trí cụp tối đa.
Sau khi hoàn tất quá trình phát triển, Liên Xô bắt đầu sản xuất hàng loạt cường kích Su-17. Ngoài khác biệt về đôi cánh, những chiếc Su-17 được trang bị lớp kính buồng lái và sống lưng máy bay mới, cho phép mang thêm nhiều nhiên liệu và hệ thống điện tử hơn so với Su-7.
Ngoài phiên bản cường kích một chỗ ngồi, Liên Xô còn phát triển biến thể hai chỗ ngồi Su-17UM cho nhiệm vụ huấn luyện kết hợp chiến đấu. Nguyên mẫu Su-17UM cất cánh lần đầu ngày 15/8/1975.
Tổng cộng có 2.867 chiếc Su-17 được Liên Xô chế tạo, trong đó 1.165 chiếc mang định danh Su-22 xuất khẩu tới 15 quốc gia khác nhau.
Mỗi chiếc Su-17 được trang bị một động cơ turbine phản lực AL-21F-3, trong khi bản xuất khẩu Su-22 chỉ được lắp động cơ phản lực Tumansky R-29B-300 với tính năng kém hơn. Phi cơ đạt tốc độ tối đa 1.860 km/h ở độ cao lớn, hoặc 1.400 km/h khi bay sát mặt biển.
Su-17 dài 19 m, sải cánh tối đa 13,7 m, cao 5,1 m và có khối lượng rỗng 12 tấn. Cường kích này có tầm bay tối đa 2.300 km, cùng bán kính chiến đấu 1.150 km khi mang theo hai tấn vũ khí.
Mỗi máy bay được gắn hai pháo tự động NR-30 cỡ nòng 30 mm với tổng cơ số 160 viên đạn, ngoài ra có thể gắn một ụ pháo tự động SPPU-22 với pháo tự động hai nòng GSh-23L cỡ 23 mm.
Su-17 và Su-22 mang được tối đa 4 tấn vũ khí, bao gồm tên lửa đối không R-13 và R-60, tên lửa đối đất dẫn đường Kh-23, Kh-25 và Kh-29, cũng như tên lửa diệt radar Kh-28 và Kh-58. Loại cường kích này cũng có thể mang các loại bom thông thường và rocket không điều khiển trong biên chế Liên Xô.
Không quân Syria được biên chế khoảng 41 cường kích Su-22M4, biến thể hiện đại hóa của dòng Su-22, khi nội chiến bắt đầu bùng phát ở nước này vào năm 2011. Phi đội Su-22 có vai trò rất quan trọng khi tham gia hàng loạt chiến dịch oanh tạc nhằm vào IS và quân nổi dậy với các loại bom chùm, vũ khí nhiệt áp và rocket không dẫn đường.
Sau khi bị mất một số máy bay trong các cuộc tấn công, Syria hiện chỉ còn khoảng ba biên đội Su-22, với khoảng 25 lần xuất kích một ngày để ném bom các mục tiêu của IS và quân nổi dậy.