Tập đoàn Kalashnikov đầu những năm 2010 giới thiệu súng trường AK-107 sử dụng đạn 5,45×39 mm với thiết kế mới và độ chính xác rất cao. Tuy nhiên, mẫu súng này không trở thành vũ khí tiêu chuẩn trong chương trình Ratnik của quân đội Nga, thay vào đó quân nhân nước này sử dụng AK-12 mới hơn và thậm chí tiếp tục dùng AK-74M.
Khác với nhiều mẫu súng cùng dòng, AK-107 được trang bị hệ thống cân bằng để triệt tiêu sức giật khi bắn. Cấu trúc này gồm hai pít tông di chuyển ngược chiều nhau nhờ luồng khí tạo ra từ thuốc súng, tạo xung lực ngược chiều triệt tiêu lẫn nhau và giảm bớt độ giật khi bắn.
"Hệ thống cân bằng tự động tăng độ chính xác của AK-107 lên 20% so với AK-74M, mẫu súng trường tiêu chuẩn khi đó. Đây là yếu tố quan trọng khi cho phép những người lính bắn chính xác hơn ở những tư thế không ổn định", giảng viên Học viện Khoa học Quân sự Nga Vadim Kozyulin cho biết.
Kozyulin nói hệ thống cân bằng tự động giúp tăng các chỉ số kỹ chiến thuật tổng thể của AK-107 khi bắn ở chế độ liên thanh tại mọi khoảng cách khi so sánh với các mẫu AK kiểu truyền thống.
"Giải pháp kỹ thuật này cho phép chúng tôi giải quyết vấn đề lâu năm của dòng súng AK là độ chính xác. AK trong nhiều thập kỷ bị chê về điểm này và nhiều người cho rằng dòng M-4 của Mỹ chính xác hơn", Kozyulin nói.
AK-107 còn có thêm chế độ bắn ba phát một, được trang bị ray Picatinny, cho phép xạ thủ gắn thêm nhiều phụ kiện. Súng sử dụng ống ngắm quang học ở phía sau, thay cho thước ngắm cơ khí truyền thống của dòng AK.
Dù sở hữu các cải tiến mới cũng như ưu điểm về độ giật thấp, AK-107 vẫn không được quân đội Nga lựa chọn làm súng trường tiêu chuẩn.
"Tất cả vũ khí Nga đều phải qua bài kiểm tra nghiêm ngặt về độ bền, vốn được áp dụng từ những năm 1950. Tiến trình thử nghiệm phức tạp bao gồm bài bắn trong điều kiện phức tạp, trong sương dưới 0°C hoặc trong mưa, thậm chí đánh giá khả năng xảy ra sự cố ngẫu nhiên khi vũ khí quá nóng cùng nhiều yêu cầu khác", Kozyulin cho biết.
Cơ chế cân bằng tự động của AK-107 bị đánh giá "quá nhạy cảm" nên không vượt qua các thử nghiệm khắc nghiệt này. "Đối với quân đội Nga, độ tin cậy và khả năng hoặt động trong mọi điều kiện của vũ khí là yếu tố hàng đầu", Kozyulin nói.
Kozyulin nhận định thiết kế mang tính đột phá của AK-107 lại làm giảm độ tin cậy của súng trong các tình huống tác chiến phức tạp. "Do đó, Kalashnikov quyết định không sử dụng phương pháp kỹ thuật này để chế tạo các mẫu súng trường đơn giản hơn như AK-12", ông cho biết.
AK-107 có hai biến thể là AK-108 sử dụng đạn 5,56×45 mm NATO và AK 109 dùng đạn 7,62×39 mm, cùng biến thể dân sự Saiga MK-107 với một số chỉnh sửa. Quân đội Kazakhstan được cho biên chế AK-107, song không rõ số lượng cũng như việc nó có được biên chế đại trà hay không.
Nguyễn Tiến (Theo RBTH)