Chính phủ Pháp không hề rút lại quan điểm phản đối chiến tranh Iraq. Nhưng thái độ giận dữ giữa Paris và Washington khiến nhiều người Pháp thấy bị bất ngờ. Bài trang nhất số mới đây của tạp chí Le Point viết: "Có phải họ đã đi quá xa?". "Họ" tức là Tổng thống Chirac và ngoại trưởng de Villepin.
Trong khi hai nhà lãnh đạo này vẫn khẳng định quan điểm chống chiến tranh, thì một số người trong giới chính trị và kinh doanh - vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại và đầu tư của Mỹ - nói rằng ông Chirac và de Villepin đã quá đà. Họ nói hai ông đã khiến người dân "say sưa", muốn đứng đầu phong trào chống Mỹ. Sự say sưa đó được thể hiện ở những cuộc biểu tình rầm rộ chống Mỹ, chống chiến tranh ở khắp châu Âu, khắp thế giới, đòi phải có sự cho phép của LHQ đối với bất kỳ hành động quân sự nào chống Iraq
"Người ta hơi lầm lẫn đôi chút", Alain Frachon, biên tập viên kỳ cựu của Le Monde, nói. "Họ muốn nước Pháp đứng lên, nhưng lại không muốn rạn nứt trong quan hệ với Mỹ".
Các quan chức Pháp khẳng định rằng sự bất đồng với Mỹ là về phương cách, chứ không phải mục đích. Nhưng điều này không đúng. Thực ra, bất đồng xuất phát từ sự chênh lệch quyền lực giữa Mỹ và châu Âu sau chiến tranh lạnh. Sự cách biệt này đã được che đậy cả thập kỷ qua, nhờ cách hành xử mềm dẻo của chính quyền Clinton, và sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương trong các vấn đề không phải là quan trọng hàng đầu, như Bosnia, Kosovo.
Nhưng sự kiện 11/9, cùng với bản chất đơn cực của chính quyền Bush, đã dẫn Mỹ tới Iraq mà không thèm đếm xỉa đến ai. Điều này khiến châu Âu bị sốc. Theo đánh giá của Robert Kegan, người từng viết một cuốn sách về sự chia rẽ hai bờ Đại Tây Dương, "Mỹ và châu Âu ngày nay giống như cặp vợ chồng, một ngày kia thức dậy, nhìn nhau và nói Ồ, anh/cô chẳng phải người mà tôi đã kết hôn!".
"Điều mà ông Chirac không hiểu là trong khoảng thời gian bức tường Berlin đổ và hai toà tháp sụp, một thế giới mới đã mở ra", Dominique Moisi, một chuyên gia chính sách đối ngoại của Pháp, nhận định. "Sau 11/9, Mỹ đã ở trong thời chiến, Pháp thì không. Mỹ và Pháp có ngày càng ít quyền lợi chung và ngày càng nhiều tình cảm mâu thuẫn".
Liệu mối rạn nứt giữa châu Âu và Mỹ có thể hàn gắn? Câu trả lời là có. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc sâu sắc vào phương thức tái thiết Iraq. Nếu Mỹ thất bại, cả thế giới sẽ càng lo ngại về sức mạnh của Mỹ. Nếu Washington thành công trong việc xây dựng một xã hội dân chủ ở đất nước vùng Vịnh này, người ta sẽ nói "Mỹ, làm tốt đấy!" - và châu Âu và Mỹ sẽ xích lại gần.
T.H. (theo The New York Times)