Chị Thủy cài ứng dụng VssID để theo dõi quá trình đóng bảo hiểm xã hội, nhưng do lâu không đăng nhập nên quên mật khẩu. Không biết cách lấy lại, chị tra trên mạng và truy cập vào website hỏi đáp liên quan chính sách này.
Giao diện trang gồm các mục hỏi đáp về bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, thai sản, Bộ luật Lao động. Chị gọi hotline tư vấn đầu số 1900.25.25.10 để nghe hướng dẫn cách lấy lại mật khẩu VssID.
Chị Thủy tưởng cuộc gọi miễn phí, không ngờ "cước phí là 8.000 đồng mỗi phút, tính tiền từ giây 11 trở đi", theo thông báo từ trang này. Quá trình nghe tư vấn lấy lại mật khẩu của chị liên tục bị gián đoạn, ngắt kết nối vì hết tiền điện thoại.
Chị phải nạp thẻ ba lần để gọi lại cho tổng đài. Mỗi lần kết nối lại, chị gặp tư vấn viên khác nhau và phải trình bày, nghe hướng dẫn từ đầu. Sau ba lần, chị mất 170.000 đồng cước phí điện thoại mà vẫn chưa thể lấy lại mật khẩu.
Cuối cùng, chị Thủy ra cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Nam nhờ hướng dẫn. Các cán bộ bảo hiểm giúp chị lấy lại mật khẩu miễn phí, dặn không truy cập những trang này tránh mất tiền oan.
Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Nam sau đó phát cảnh báo người lao động tránh bị lừa như chị Thủy. Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội cũng phát đi cảnh báo một số website dùng hình ảnh trái phép, giả mạo cơ quan bảo hiểm xã hội các quận huyện để tư vấn tính phí cao.
Cơ quan này nêu rõ các trang trên tạo chuyên mục tư vấn chính sách bảo hiểm xã hội, song không có nội dung lẫn hình ảnh liên quan chế độ, chỉ hướng dẫn người dân gọi tới tổng đài 1900.25.25.10 để được hỗ trợ giải đáp trực tiếp, nhưng thực chất không có người tư vấn mà vẫn bị trừ cước với giá đắt. Điều này ảnh hưởng đến uy tín của ngành.
Trước đó hồi tháng 5, chị Ngọc làm công nhân ở Hà Nội bị kẻ mạo danh nhân viên bảo hiểm xã hội dụ chuyển 5,9 triệu đồng "đặt cọc" để được hỗ trợ cấp lại mật khẩu VssID. Kẻ gian còn yêu cầu chị gửi ảnh căn cước công dân, mã số sổ bảo hiểm xã hội, địa chỉ tạm trú, số điện thoại và số tài khoản để nhận lại tiền cọc sau này. Do không còn tiền, chị nói với người quen, mới biết mình bị lừa.
VssID hiện có hơn 22,8 triệu tài khoản được phê duyệt và kích hoạt sử dụng, chủ yếu là lao động tham gia bảo hiểm xã hội để theo dõi quá trình đóng - hưởng các chính sách. Hiện việc cấp lại mật khẩu VssID còn gặp bất tiện. Người dùng phải nhận mã OTP gửi về email hoặc gọi đến Tổng đài 1900 9068 của ngành bảo hiểm xã hội mà không nhận trực tiếp qua điện thoại như phần lớn app khác. Nhiều người lâu không sử dụng email, không nhớ mật khẩu dành từ bỏ đăng nhập.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn lao động có thể xin cấp lại mật khẩu bằng nhiều cách. Thứ nhất, dùng chức năng quên mật khẩu trên ứng dụng hoặc website, nhưng cần có email. Với tài khoản chưa liên kết email, người dùng gọi Tổng đài 1900 9068 (chọn nhánh 8) để được trợ lý ảo hỗ trợ. Số điện thoại gọi đến phải đúng số đã đăng ký tài khoản VssID mới có thể thao tác tiếp. Thứ hai, cuối tháng 10, ứng dụng bổ sung tính năng đăng nhập bằng tài khoản định danh điện tử trên VNeID.
Trước đây, người dùng có thể gửi tin nhắn đến Tổng đài 8079 để yêu cầu cấp lại mật khẩu VssID. Cước phí 1.000 đồng mỗi tin, người dân trả cho nhà mạng và Bảo hiểm xã hội Việt Nam không thu khoản này. Từ tháng 3/2023, dịch vụ ngừng "do vướng quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông không đưa tổng đài tin nhắn vào các kênh thông tin cung cấp cho người dùng", theo giải thích của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Hồng Chiêu