Tháng 3, Trung Hiếu (Lập Thạch) - chủ một cơ sở cho thuê ôtô và xe máy tự lái - cho một người ở địa phương thuê chiếc Hyundai Accent 2018 trong 10 ngày. Hết thời hạn không thấy khách trả, anh liên hệ thì số điện thoại không thể gọi.
2 ngày sau, Hiếu truy theo tín hiệu GPS gắn trên xe, thì mới biết bộ định vị đã bị tráo cho xe khác. Anh báo cáo sự việc cho công an nhưng không được giải quyết do không thể liên hệ với người thuê xe.
Đến tháng 5, thông qua một số nguồn tin, anh đã phát hiện ra chiếc Accent tại Thái Nguyên. Dù đã báo với công an, từ đó tới nay Hiếu vẫn chưa thể nhận lại xe của mình, với một số vướng mắc, chưa rõ ràng trong thủ tục. Thậm chí tháng 7, anh còn thấy xe mình bị rao bán trên mạng.
"Tôi rất sợ xe mình bị tháo phụ tùng đem đi bán, cho nên đã cử nhân viên canh garage giữ xe tôi 24/7 để xem động tĩnh, chờ chủ về", Hiếu cho biết.
Tình trạng thuê xe rồi chiếm đoạt, làm giả giấy tờ để hợp pháp hóa, sau đó đưa đi tiêu thụ, bán rẻ đã xuất hiện từ lâu trên thế giới và manh nha tại Việt Nam trong những năm qua. Cơ quan chức năng đã điều tra, triệt phá những đường dây trộm cắp tiêu thụ ôtô quy mô lớn tại các tỉnh thành trên cả nước.
Các đối tượng này thường sử dụng giấy tờ giả, như hộ khẩu, bằng lái, căn cước công dân khi thuê xe nhằm tránh bị phát hiện tung tích, sau khi nhận xe sẽ tháo định vị, sau đó đem xe đi tiêu thụ.
Hiện hầu hết các cơ sở cho thuê xe đều trang bị hệ thống định vị GPS cho từng xe, tuy nhiên các đối tượng có thể tìm và vô hiệu hóa định vị một cách dễ dàng nếu chủ xe gắn ở nơi dễ tiếp cận.
Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng để tăng tính an toàn và bảo mật, chủ doanh nghiệp nên sử dụng hai bộ GPS riêng biệt trên xe, để ở các vị trí khác nhau, càng khó gỡ càng tốt. Khi kẻ gian vô hiệu hóa một bộ GPS, chủ doanh nghiệp vẫn có thời gian để truy ra xe nhờ vào bộ GPS thứ hai.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra kỹ lý lịch và giấy tờ của người thuê xe cũng là điều quan trọng nhằm tránh các rắc rối có thể xảy ra. Cuối cùng, chủ cơ sở cho thuê cũng nên kiểm tra xe thật kỹ khi nhận lại xe, để chắc chắn rằng xe không bị thay đổi, đánh tráo phụ tùng trong quá trình sử dụng. Một số chủ xe ở Việt Nam dùng bút xoá để ký tên, số điện thoại lên tất cả các bộ phận dễ bị đánh tráo, lấy cắp trên xe. Với cách này, khi khách trả, chủ xe sẽ biết ngay chi tiết nào đã không còn nguyên vẹn.
Phạm Hải