Tại Bệnh viện Quân y 175, bệnh nhân được chẩn đoán đau đầu dạng căng thẳng kèm trầm cảm. Cô gái được điều trị kết hợp để cải thiện cơn đau đầu cũng như ổn định tinh thần, giải quyết bệnh trầm cảm.
Tương tự, tại Hà Nội, hồi tháng 9, khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, cũng tiếp nhận nữ sinh 15 tuổi, mắc rối loạn lo âu do áp lực học tập. Từ khi đỗ vào trường chuyên, chương trình học khó, phải thi đua với các bạn học giỏi, em liên tục học thâu đêm, thậm chí bỏ cả ăn uống. Tình trạng mất ngủ, thiếu ngủ kéo dài khiến nữ sinh sụt cân, gầy yếu, lo lắng, mệt mỏi, được bố mẹ đưa vào viện khám.
Hiện Việt Nam chưa có báo cáo chi tiết về tỷ lệ đau đầu, mất ngủ, rối loạn lo âu ở trẻ vị thành niên, song ghi nhận sự gia tăng ca bệnh ở các cơ sở y tế.
Như ở Bệnh viện Quân y 175, mỗi ngày phòng khám của khoa Nội Thần kinh tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân ngoại trú, trong đó 40-50% đến khám với tình trạng đau đầu, mất ngủ kéo dài. Theo ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Trưởng khoa, số lượt thăm khám liên quan tình trạng đau đầu, mất ngủ kéo dài tại đây có xu hướng tăng và ngày càng phổ biến ở nhóm học sinh, sinh viên, người lao động trẻ dưới 30 tuổi.
Tương tự, tại phòng khám thần kinh Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, khoảng 10-15% số bệnh nhân đến khám có triệu chứng đau đầu, trong đó có khoảng 40-50% là học sinh, sinh viên. Bác sĩ Trần Trung Thành, Trưởng khoa Nội thần kinh cho biết con số chưa đáng kể, song số lượt thăm khám ở nhóm tuổi này tại đây có xu hướng tăng.
Còn ở Bệnh viện Nhi Trung ương, năm 2022, khoa Khoa Sức khỏe vị thành niên thực hiện nghiên cứu về các rối loạn tâm lý ở học sinh tại một số trường trung học cơ sở tại Hà Nội (từ lớp 6 đến lớp 9) cho thấy các biểu hiện lo âu ở trẻ chiếm tỷ lệ 38%, tiếp theo là stress với 33% và trầm cảm là 26,1%. Trong số các bệnh nhi đến khám và điều trị vì các biểu hiện lo âu, trầm cảm tại bệnh viện này, nhiều trẻ được đánh giá ngoan, học tập khá giỏi.
Các bác sĩ cho biết nguyên nhân chính dẫn đến đau đầu, mất ngủ, rối loạn lo âu ở học sinh, sinh viên là áp lực học tập. Đặc biệt, học sinh cuối cấp thường xuyên lo âu, căng thẳng trước kỳ thi quan trọng gây đau đầu và mất ngủ. Ngoài ra, lối sống thiếu khoa học như thức khuya, dậy trễ cũng ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học bình thường của mỗi người. Bên cạnh đó, chỗ ngủ của nhiều sinh viên không đủ thoải mái, đặc biệt với các em phải ở trọ. Nhiều sinh viên ngày học, đêm đi làm thêm theo ca hoặc sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều trước khi đi ngủ, môi trường xung quanh ồn ào... cũng dẫn đến mất ngủ, đau đầu.
Theo bác sĩ Thành, khi căng thẳng, bệnh nhân thường đau đầu bỏng rát, như có kiến bò, đội mũ chật, cảm giác đầu trống rỗng. Vị trí đau thường ở vùng chẩm hoặc gáy, đỉnh, trán chẩm, gốc mũi hoặc đau nhói hai bên. Cơn đau sẽ tăng nặng về chiều tối với cường độ nhẹ hoặc trung bình. Khi đó, người bệnh càng dễ mất ngủ. Song, nếu bệnh nhân mất ngủ lại có thể làm đau đầu nhiều hơn. Do đó, đau đầu và mất ngủ được xem là "vòng lẩn quẩn" trong y khoa.
Tình trạng này khiến chất lượng học tập giảm sút do suy giảm trí nhớ và khả năng tập trung của người bệnh. Càng kéo dài, bệnh nhân càng mệt mỏi, giảm động lực, năng lượng để học tập, lao động. Ngoài ra, người mất ngủ dễ mắc các bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường hay tăng cân do ăn đêm nhiều hơn vì thời gian ngủ giảm. Đồng thời, người bệnh cũng dễ mắc các bệnh lý tâm thần như trầm cảm, đặc biệt là rối loạn lo âu do tạo vòng lặp giữa rối loạn lo âu, đau đầu và mất ngủ, dẫn đến các triệu chứng dai dẳng. Chưa kể, mất ngủ kéo dài có thể gây những hậu quả nặng nề về tim mạch, tăng huyết áp hay đột quỵ.
Theo ThS.BS Đoàn Văn Anh Vũ, khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, việc điều trị đau đầu, mất ngủ kéo dài ở mỗi bệnh nhân sẽ có thời gian dài, ngắn khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân, tình trạng các bệnh đồng mắc của người bệnh, song ít nhất cần khoảng 6 tháng.
Có nhiều phương pháp điều trị, bao gồm thuốc, sử dụng các thiết bị điều hòa thần kinh như kích thích từ trường xuyên sọ hay phối hợp các phương pháp không dùng thuốc như liệu pháp nhận thức hành vi.
"Việc lựa chọn phương pháp điều trị cũng sẽ tùy từng trường hợp cụ thể", bác sĩ Vũ nói.
Để phòng ngừa đau đầu, mất ngủ kéo dài, các bác sĩ khuyến cáo mọi người nên giữ lối sống lành mạnh, ăn đầy đủ dinh dưỡng và tập luyện thể dục thể thao thường xuyên. Cố gắng thư giãn trước khi đi ngủ như đọc sách giấy, đồng thời tắt hoặc tránh tiếp xúc với các thiết bị điện tử.
Mặt khác, gia đình và nhà trường không nên đặt nặng thành tích quá mức để tránh các áp lực đối với trẻ. Cần đánh giá đúng năng lực của trẻ để đưa ra chương trình học tập và mục tiêu phù hợp, hợp lý. Người lớn cũng cần gần gũi và lắng nghe trẻ để biết được mong muốn và nguyện vọng của các em. Đảm bảo trẻ có các hoạt động cân bằng, thư giãn như vui chơi, giải trí, thể thao, dã ngoại...
Khi có các triệu chứng đau đầu, mất ngủ, lo âu cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị thích hợp, tránh bệnh diễn biến phức tạp.
Mỹ Ý