Đại sứ quán Mỹ vừa chuyển từ một tòa nhà ở trung tâm quận ngoại giao thành phố đến tổ hợp có tường bao rộng hơn 4.000 m2 nằm xa trung tâm hơn. Nó giống như một pháo đài với nhiều điểm kiểm soát và hào nước.
Để ngăn các đặc vụ Trung Quốc nghe trộm, toàn bộ mảng cấu trúc của tòa nhà được chuyển đến từ Mỹ. Nhưng dù đã hết sức cảnh giác, hai công nhân xây dựng Mỹ đã chuyển thông tin chi tiết về tòa nhà cho tình báo Trung Quốc.
Tin tức này khiến Washington lo lắng, vào thời điểm họ đang chứng kiến Trung Quốc gia tăng sức mạnh kinh tế và chính trị nhanh chóng. Trong ba năm Claiborne làm việc ở sứ quán Mỹ, cơ quan thường xuyên tổ chức cuộc họp về bảo mật và cảnh báo về sự mưu mẹo của tình báo Trung Quốc. "Tôi luôn nói với các nam nhân viên: Hãy nhìn vào gương. Không một phụ nữ xinh đẹp, hấp dẫn nào lại đi tiếp cận những người đàn ông 50 tuổi", một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Tuy nhiên, Claiborne có vẻ không phải là người khiến các nhân viên an ninh của sứ quán phải lo lắng. Bà 53 tuổi, có 4 người con trưởng thành, toát lên thần thái của một người luôn giữ vững kỷ luật. Bà là một trong hàng trăm quản trị viên quan trọng được Bộ Ngoại giao Mỹ đào tạo để theo dõi lịch trình cho các nhà ngoại giao, chuẩn bị chương trình nghị sự cho các cuộc họp và ghi chép biên bản. Tại sứ quán, Claiborne được quyền tiếp cận các thông tin mật.
Claiborne từng được điều đến Bắc Kinh làm việc năm 2000 và sau đó giữ một vị trí ở Thượng Hải năm 2003. Thông thường, Bộ Ngoại giao Mỹ giới hạn nhân viên chỉ được điều đến một quốc gia làm việc hai lần, mỗi lần khoảng 2-3 năm, do lo lắng nếu ở một nơi quá lâu, họ có thể mất cảnh giác trước các mối đe dọa tiềm tàng.
Nhưng các nhân viên khác thường không mặn mà đến Trung Quốc trong khi Claiborne sẵn sàng làm việc ở đây. Bà đã vượt qua các đánh giá an ninh một cách dễ dàng để trở lại Bắc Kinh năm 2009. Tuy nhiên, có một lỗ hổng an ninh Bộ Ngoại giao Mỹ đã bỏ qua: con trai bà, Jamal.
Jamal khi đó mới tốt nghiệp Đại học Salisbury, Maryland và đang sống ở thủ đô Washington. Có khả năng hội họa, anh muốn trở thành nhà thiết kế thời trang nhưng anh đang nợ tiền trường đại học và không có tiền để học thêm. Claiborne cũng không dư dả. Nhưng bà thấy một giải pháp.
Claiborne đã đưa Jamal theo trong lần đầu tiên bà được điều đến Bắc Kinh năm 2000. Jamal rất thích sống ở Trung Quốc. Anh ta và Claiborne đã kết bạn với một số người Trung Quốc, mặc dù nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ được yêu cầu báo cáo tất cả các liên hệ thường xuyên với người nước ngoài và rất ít người có thể làm bạn lâu dài với người dân địa phương.
Trong quãng thời gian ở Bắc Kinh và Thượng Hải, Claiborne đã kết bạn với người đàn ông trung niên họ Wu, doanh nhân sở hữu một công ty xuất nhập khẩu và spa tại Thượng Hải. Không có dấu hiệu cho thấy ông ta và Claiborne có quan hệ tình cảm, nhưng họ đủ thân thiết để Claiborne viết thư cho ông trước khi trở lại Bắc Kinh năm 2009. Bà hỏi Wu liệu Jamal có thể học ở Trung Quốc không: "Thằng bé cần nơi ở và tiền vé máy bay, ông có gợi ý gì không?". Wu trả lời rằng ông sẽ giúp đỡ.
Khi Claiborne đến Bắc Kinh, Wu chuẩn bị nhiều phương án để Jamal, người vẫn đang ở Mỹ, đến Trung Quốc học tập và làm việc. Wu giúp đỡ tích cực đến nỗi Claiborne ngày càng phụ thuộc vào ông ta. Nhưng cuối cùng, Mỹ xác định ông này là điệp viên của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS), cơ quan chịu trách nhiệm phản gián, tình báo nước ngoài và an ninh chính trị.
Không có bằng chứng cho thấy Wu đã yêu cầu Claiborne bất cứ điều gì trong những năm đầu họ làm bạn. Nhưng nếu bà từng nghĩ Wu chỉ đơn giản là một doanh nhân hào hiệp thì năm 2011, bà nhận ra có những điều phức tạp hơn đằng sau. Tháng 4/2011, Claiborne nhận được 2.480 USD từ một công ty Hong Kong có tên Delta Shipping, cùng ghi chú nói rằng số tiền này dành cho Jamal. Bà không báo cáo cho sứ quán.
Một tháng sau đó, các quan chức Trung Quốc bay sang Mỹ để gặp Phó tổng thống Mỹ khi đó là Joe Biden và Ngoại trưởng Hillary Clinton trong Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung. Sau hội nghị, Wu hỏi xin Claiborne đánh giá nội bộ của Bộ Ngoại giao Mỹ về cuộc họp. Cụ thể, ông muốn biết Mỹ có thể làm gì nếu Trung Quốc không tuân theo thời gian biểu định giá lại đồng nhân dân tệ đã thỏa thuận.
Claiborne gửi cho Wu thông tin thông thường, một số phần lấy từ các nguồn công khai. "Thứ tôi gửi có hữu ích không?", Claiborne hỏi Wu qua email.
"Nó hữu ích nhưng tôi cũng có thể tìm được trên Internet", ông trả lời. "Thứ họ muốn là những gì không thể tìm thấy trên Internet".
Đây là một bước ngoặt làm Claiborne lo lắng. Khi Wu tiếp tục viết thư cho Claiborne hỏi bà có thể cung cấp thông tin gì khác cho ông không, Claiborne đáp: "Thẳng thắn mà nói, tôi thực sự không muốn dành thời gian cho loại việc này. Tôi rất tiếc, tôi không có thời gian hay sức lực".
Wu không gây nhiều sức ép với Claiborne khi bà né tránh yêu cầu của ông. Có lẽ Wu tính toán lo lắng của bà về Jamal sẽ khiến bà phải gọi lại cho ông. Thật vậy, hai tháng sau, Claiborne ăn trưa với Wu. Hai ngày sau đó, bà viết thư cho ông: "Tôi thấy thật tệ khi phải xin anh trợ giúp tài chính, anh đã luôn giúp đỡ tôi". Bà hứa hẹn sẽ cố gắng thu thập thêm thông tin mà Wu cần.
"Tôi sẽ giúp con chị và cả chị kiếm tiền ở Trung Quốc", Wu trả lời. Hai ngày sau, Wy chuyển cho Claiborne 580 USD.
Jamal chuyển đến sống với Claiborne tại Bắc Kinh vào tháng 1/2012. Bà lo lắng khi ngày càng phụ thuộc vào Wu. "Mẹ không muốn cổ của mẹ hay cổ của con bị tròng một chiếc thòng lọng", bà nói với Jamal.
Tháng 2/2012, Claiborne cân nhắc cho Jamal theo học Học viện Thiết kế Raffles ở Thượng Hải. Ba năm học sẽ tiêu tốn 48.000 USD. Bà cảnh báo Jamal không xin sự trợ giúp từ Wu.
Jamal bực bội với mẹ. "Mẹ hãy ngừng lo lắng về việc mắc nợ ông Wu", Jamal nói. Sau đó, Jamal làm chính xác điều Claiborne đã yêu cầu anh ta không làm: gửi email cho Wu và nói với ông ta mọi thứ.
Wu trả lời rằng ông sẽ cố gắng thuyết phục Claiborne. Sau đó, ông ta giúp Jamal vào học tại Raffles, trả học phí và giúp anh ta định cư tại Thượng Hải.
Mùa xuân đó, Jamal ngày càng dựa dẫm vào Wu. Doanh nhân chi trả cho các chuyến đi của Jamal, giúp anh tìm căn hộ, trả tiền thuê nhà và còn cho Jamal 3.000 NDT một tháng. Bất cứ khi nào Jamal cần thứ gì, anh ta đều hỏi Wu, từ máy cạo râu, máy may cho đến chuyến du lịch Thái Lan.
Jamal mời Wu dự tiệc sinh nhật tại một khách sạn sang trọng. Nhân dịp này, Claiborne bay tới Thượng Hải và họ chụp ảnh cùng nhau. Tại đây, hai mẹ con làm quen bạn mới: người đàn ông họ Zhang, bị Mỹ xác định là đồng nghiệp của Wu tại MSS.
Zhang nhanh chóng làm thân với hai mẹ con và nói với Jamal rằng anh không phải lo lắng về tiền bạc. "Cháu chỉ nên tập trung vào việc học, tiền bạc cứ để các chú lo", Zhang viết trong tin nhắn.
Vào thời điểm đó, Mỹ cáo buộc MSS cố gắng xâm nhập hệ thống liên lạc bí mật của CIA. Bắt đầu từ năm 2010, các nguồn tin của CIA ở Trung Quốc bắt đầu biến mất hoặc chết với tốc độ đáng báo động.
Claiborne có lẽ không biết về điều đó, nhưng bà ngày càng lo ngại về tình huống của chính mình. Tháng 9/2012, ngay sau tiệc sinh nhật của Jamal, bà nói với một người quen rằng bà đã xóa tài khoản Facebook, giải thích rằng mạng xã hội này giúp mọi người dễ dàng thu thập thông tin cá nhân và các thông tin khác.
Khi thời gian làm việc của bà ở Bắc Kinh sắp kết thúc, bà đã nói dối khi được Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu liệt kê tất cả các tương tác với người nước ngoài. Bà viết "không có" vào đơn.
Claiborne sau đó được điều đến Khartoum, Sudan. Khi rời Trung Quốc, bà thúc giục Jamal sống có trách nhiệm hơn. Tuy nhiên, bà vẫn nuông chiều con. Claiborne nhờ Wu sắp xếp xem có thể giúp Jamal về Mỹ khi nghỉ giữa kỳ hay không.
Wu và Zhang tặng Claiborne một chiếc điện thoại và laptop làm quà chia tay, những thiết bị mà họ có thể đã sử dụng để theo dõi bà dù cách nửa vòng trái đất.
Chỉ vài tuần sau khi Claiborne đến Sudan, vào tháng 8/2013, Jamal bị cáo buộc một tội danh ở Trung Quốc. Zhang và Wu đã giúp đỡ để Jamal không bị truy tố nhưng visa du học của Jamal bị hủy. Hai người đặt cho chàng trai trẻ chiếc vé máy bay một chiều về Washington.
Sự việc này khiến Claiborne chịu ơn họ nhiều hơn. Bà thúc giục Jamal cắt đứt liên lạc với hai người. "Ngay từ đầu điều này đã quá sức chịu đựng với mẹ, mẹ muốn được giải thoát. Mẹ không muốn mắc nợ ai, trừ Thượng đế", bà nói.
Vài tháng sau, Zhang viết thư cho Claiborne, nói rằng ông và Wu định đi châu Phi và muốn thăm Khartoum vào đầu tháng 5. Claiborne lảng tránh, nói rằng bà đã đảm nhận một vị trí mới ở thủ đô Washington, sau đó gửi email cho Jamal cảnh báo anh ta không được tiết lộ vị trí thực tế của mình.
Tuy nhiên, Claiborne vẫn không cắt quan hệ với họ. Tháng 8/2013, bà gửi email, cảm ơn họ đã giúp đỡ Jamal. Khi bà trở lại thủ đô Washington tháng 9/2015, Claiborne gửi email cho Wu số tài khoản ngân hàng, hỏi rằng liệu ông có thể gửi cho bà 5.000 USD hay không.
Mùa hè năm 2015, Văn phòng Quản lý Nhân sự Mỹ thông báo cơ sở dữ liệu của họ bị xâm nhập, tin tặc có thể truy cập thông tin cá nhân của 21 triệu nhân viên chính phủ Mỹ. Họ cho rằng MSS đứng sau vụ này. Vào thời điểm đó, mối quan hệ của Claiborne với Wu bắt đầu khiến bà phải trả giá.
Vài ngày sau khi trao đổi với Wu về việc chuyển tiền, Bộ Ngoại giao Mỹ bất ngờ phỏng vấn để kiểm tra Claiborne. Điều tra viên Patricia Crampton yêu cầu bà trình bày chi tiết về các hoạt động tại Trung Quốc. Claiborne nói dối về các mối quan hệ, những món quà và mức độ đi lại nước ngoài của Jamal.
Sau buổi phỏng vấn, Claiborne hoảng sợ. Bà gọi cho Jamal từ một bốt điện thoại, yêu cầu anh đừng nói gì về "người mà con biết rồi đấy". Bà cũng gọi cho Wu, thông báo rằng bà đang bị kiểm tra và yêu cầu ông không chuyển tiền. "Họ hỏi nhiều lắm, ông không tưởng tượng được đâu", Claiborne nói.
Crampton biết Claiborne đã khai man, nhưng các nhà điều tra không sớm vạch trần vì muốn tìm hiểu xem bà có phạm tội nghiêm trọng hơn hay không. Giờ Claiborne đã làm việc ở Mỹ, FBI có thể dễ dàng theo dõi bà.
Các nhà điều tra lắp đặt camera giám sát bên ngoài nhà và tại văn phòng ở Bộ Ngoại giao, họ thu thập bằng chứng dựa vào Đạo luật Giám sát Tình báo Nước ngoài, cho phép bí mật khám xét và nghe lén điện thoại. Tháng 2/2016, Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Claiborne rằng quá trình kiểm tra bà đã hoàn tất. Họ chờ xem bà sẽ làm gì.
Claiborne nơi lỏng cảnh giác. Khi Wu bước sang tuổi 50, bà nhắc Jamal chúc mừng ông. Jamal khi đó đang lên kế hoạch trở lại Trung Quốc.
Khi máy bay chuẩn bị cất cánh, Jamal nói chuyện với Claiborne qua điện thoại. "Nếu con nói chuyện với ông Wu hay ông Zhang, hãy nói rằng mẹ đang làm việc ở thủ đô Washington. Họ chắc chắn sẽ hỏi. Họ là điệp viên đấy".
Vào một buổi tối lạnh lẽo tháng 1/2017, một người đàn ông đứng ngoài cửa nhà Claiborne khi bà đi làm về, tự giới thiệu mình là đồng nghiệp của Wu và Zhang. Claiborne vội vã đưa ông này vào trong.
Người đàn ông giải thích ông làm việc cho MSS, Claiborne có vẻ không bất ngờ. Khi ông này đề nghị đưa tiền mặt cho Claiborne, bà từ chối. "Tình hình không còn như trước nữa, FBI đặt rất nhiều câu hỏi", bà nói.
Thực tế, vị khách mà Claiborne đưa vào là một đặc vụ FBI đang giăng bẫy. Ngay sau đó, Claiborne bị bắt tại nhà. Jamal được coi là đồng phạm nhưng không bị truy tố.
Tháng 4/2019, Claiborne nhận tội âm mưu lừa gạt nước Mỹ. Các công tố viên lập luận bà đã chuyển thông tin nhạy cảm cho MSS, hành động có thể gây hại cho hoạt động của Bộ Ngoại giao, nhấn mạnh rằng các thiết bị mà bà đã nhận có thể là công cụ nghe trộm. Claiborne bị kết án 40 tháng tù và phải nộp phạt 40.000 USD.
"Đây không phải là những gì tôi hình dung về cuộc sống của mình - bị khinh thường, bị kết án", Claiborne nói. "Cho đến tận giờ tôi vẫn không biết mình đã đánh mất bản thân như thế nào. Tôi không biết làm sao mình lại đánh mất 'la bàn đạo đức".
"Mặc dù hành vi phạm tội của Claiborne tương đối nhỏ so với một số vụ án gây chú ý hơn liên quan đến gián điệp Trung Quốc. Các chuyên gia tình báo ở Mỹ coi trường hợp của Claiborne rất đáng báo động", đặc vụ FBI Ryan Gaynor nói. "Vụ này cho thấy tình báo Trung Quốc sẵn sàng dành nhiều năm và nguồn lực quan trọng để lôi kéo nhân viên Mỹ, dù chỉ là một chuyên viên quản lý văn phòng".
Phương Vũ (Theo Economist)