Theo International Business Times, các nhà khoa học ở Đại học Montana, Mỹ, đã tìm ra chủ nhân của những chiếc mặt nạ hộp sọ Aztec bí ẩn trong đền thờ cổ Templo Mayor.
Mặt nạ hộp sọ là những vật phẩm trang trí kỳ công. Người Aztec cổ đại sử dụng những phương pháp tinh vi để chế tác hộp sọ, như cắt bỏ phần sau, cắm lưỡi dao, sỏi đá, đồ khảm vào hốc mắt và mũi. Trong một số trường hợp, họ còn nhuộm màu hộp sọ. Sau khi xử lý, những chiếc mặt nạ hộp sọ được đặt lên giá gọi là "tzompantli" ở các đền thờ như Templo Mayor tại thủ đô của đế chế Aztec, Tenochtitlán.
Các nhà khảo cổ cho rằng những hộp sọ thuộc về nạn nhân của tục hiến tế người, nhưng họ gặp khó khăn trong việc giải thích tại sao hộp sọ được dùng làm mặt nạ thay vì đồ vật khác. Nghiên cứu mới nhất công bố trên tạp chí Current Anthropology sử dụng phương pháp thực nghiệm để tìm hiểu quá trình chọn lựa và chế tạc hộp sọ.
Nhóm nghiên cứu so sánh 8 chiếc mặt nạ hộp sọ với 30 hộp sọ còn nguyên vẹn tìm thấy trong số vật phẩm tế lễ dưới thời trị vì của vua Axayacatl (1469-1481), cùng với 127 hộp sọ của những chiến binh chết trận. Họ tìm kiếm những điểm khác nhau ở độ tuổi tử vong, giới tính và tình trạng sức khỏe.
Các nhà nghiên cứu phát hiện tất cả hộp sọ dùng làm mặt nạ đều thuộc về nam giới có độ tuổi từ 30 đến 45 với tình trạng sức khỏe tốt hơn nhiều so với phần đông cư dân. Đặc biệt, họ không có dấu vết mắc bệnh nha khoa hay suy dinh dưỡng. Thông qua hình dáng răng, nhóm nghiên cứu nhận thấy các hộp sọ có nguồn gốc từ khu vực khác nhau trên khắp đế chế Aztec, như thung lũng Toluca, bờ biển Gulf và thung lũng Mexico.
Những chi tiết trên chỉ ra nạn nhân là các chiến binh có dòng dõi quý tộc, do đó họ có sức khỏe tốt. Họ bị bắt làm tù binh sau các trận chiến và bị đưa tới đền thờ để hiến tế. Do mang trong mình dòng máu quý tộc, hộp sọ của họ được xử lý đặc biệt và biến thành vật phẩm tinh tế mang giá trị tinh thần.
Xem thêm: Tục kéo dài hộp sọ của bộ tộc Nam Mỹ
Phương Hoa