Năm 2009, một nhóm các nhà khảo cổ học tìm thấy những bộ hài cốt với hộp sọ biến dạng trong khu vực chôn cất có niên đại 2.000 năm ở Patagonia, Nam Mỹ.
Marta Alfonso-Durruty, nhà nhân chủng học tại Đại học Kansas, Manhattan, Mỹ, được mời đến Viện nghiên cứu Patagonia, Chile, để tìm hiểu. Khi Alfonso-Durruty đến nơi, bà phát hiện 18 (30 %) trong số 60 hộp sọ người trưởng thành bị kéo dài, BBC đưa tin.
Theo nghiên cứu của Alfonso-Durruty và đồng nghiệp, thay vì tác động đến hộp sọ thời kỳ trưởng thành, người Patagonia cổ tìm cách kéo dài hộp sọ ở đầu thời thơ ấu, khi xương vẫn đủ mềm để điều chỉnh hình dáng.
Để làm biến dạng dáng hộp sọ của đứa trẻ, người cha hoặc mẹ buộc chặt đầu con bằng những băng vải. Cách này khiến hộp sọ phát triển hướng lên trên theo hình trụ. Tuy nhiên, nếu quấn vải quá chặt, đứa trẻ có thể chết. Một cách làm khác giúp tạo ra hộp sọ phẳng là dùng ván gỗ cứng để ép chặt phần trước và sau đầu trẻ trong thời gian dài.
Alfonso-Durruty cho rằng, người Patagonia cổ không làm biến dạng hộp sọ để thể hiện đặc trưng cộng đồng, mà nhằm mở rộng lãnh thổ và tiếp cận những nguồn tài nguyên mới. Bà trình bày nhận định này trên Tạp chí Nhân chủng học Tự nhiên của Mỹ số tháng 9.
Người Patagonia cổ sống ở những khu vực với nguồn tài nguyên không đồng đều. "Trong trường hợp đó, giải pháp hợp lý nhất là mở rộng mạng lưới để bộ tộc có thể tiếp cận những tài nguyên khác nhau dọc theo lãnh thổ", Alfonso-Durruty cho biết.
Cách mở rộng tốt nhất là kết bạn với những bộ tộc khác. Do thay đổi hình dáng hộp sọ không dễ dàng, những người tiến hành quá trình này lập tức thể hiện họ là một bộ tộc đáng tin cậy. "Nhờ đó, kéo dài hộp sọ giúp họ thông báo quan hệ với cá nhân ở những vùng miền khác", Alfonso-Durruty nói.
Tập tục này thậm chí còn giúp họ mở rộng bộ tộc. Cách đây 2.000 năm, khu vực từng trải qua sự tăng vọt về dân số. Thông qua phân tích chế độ ăn của người Patagonia cổ đại, nhóm nghiên cứu phát hiện họ ăn cả thức ăn có trên mặt đất lẫn thức ăn ở biển, cho thấy họ đã sống ở nhiều vùng khác nhau.
Phương Hoa