Theo quy định hiện hành, "cán bộ, công chức, viên chức" là một trong 10 nhóm đối tượng được mua nhà ở xã hội. Nhưng những lao động mới chỉ ký hợp đồng, chưa được vào biên chế như Thắng sẽ không đủ điều kiện. Cơ quan của cậu đã không sai khi từ chối xác nhận.
Câu chuyện sẽ dừng ở đó nếu Thắng không hỏi tôi chi tiết về các nhóm đối tượng khác được mua nhà ở xã hội. Sau khi tôi giải thích, cậu buông một tiếng thở dài, nói: "Thế thì các bác sĩ giỏi, tốt nghiệp những trường danh tiếng, nếu chọn về viện công coi như mất cơ hội mua nhà". Trước vẻ mặt khó hiểu của tôi, Thắng giải thích: "Tất nhiên chuyện gì cũng có ngoại lệ, nhưng thực tế là sau khi tốt nghiệp, bác sĩ khá giỏi mới giành được suất vào các bệnh viện công. Phần lớn họ không được biên chế ngay mà phải làm việc dưới dạng hợp đồng một thời gian dài".
Đây chỉ là một trong rất nhiều bất cập mà tôi từng chứng kiến hơn 10 năm qua, từ khi bắt đầu kinh doanh trong lĩnh vực nhà ở xã hội. Ngoài nhóm "bác sĩ hợp đồng" như Thắng, tôi gặp không ít khách hàng thực sự cần nhưng không thể tiếp cận chính sách. Chẳng hạn, sau hàng chục năm dành dụm, chú Hưng - một anh hùng lực lượng vũ trang - tính mua căn nhà để yên tâm an cư khi về già. Dù thuộc diện "Người có công với cách mạng", đủ điều kiện mua nhà nhưng hồ sơ của chú vẫn bị loại, vì trước đây chú từng đi thuê nhà ở xã hội. Điều 51, Luật Nhà ở quy định, những đối tượng được mua nhà ở xã hội còn phải đáp ứng điều kiện "chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức".
Éo le hơn là trường hợp của một chị bị khuyết tật. Tuy Nghị định 49/2021 quy định người khuyết tật không phải bốc thăm khi mua nhà ở xã hội, nhưng Thông tư 09/2021 hướng dẫn cho chính Nghị định này lại không ban hành mẫu đơn xác nhận dành cho đối tượng người khuyết tật, nên chính quyền phường loay hoay không biết làm thế nào cho đúng. Cuối cùng, chị lỡ mất cơ hội.
Nhà ở xã hội theo định nghĩa là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở. Nhưng ai là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ này?
Theo quy định tại Luật Nhà ở 2014, có 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách, nhưng khi áp dụng vào thực tế đã nảy sinh nhiều nghịch lý. Nếu Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, sắp được trình lên Quốc hội, mở rộng thành 20 hay thậm chí 90 nhóm đối tượng thì liệu có gì đảm bảo sẽ không bỏ sót những nhóm người yếu thế? Chưa kể đây mới chỉ là một trong bốn nhóm điều kiện. Ngoài điều kiện về đối tượng, luật còn quy định điều kiện về cư trú, thu nhập và thực trạng nhà ở.
Tìm hiểu một số quốc gia đã triển khai thành công chính sách nhà ở xã hội, tôi thấy thủ tục của họ khá đơn giản. New Zealand là một ví dụ. Tôi có người bạn định cư ở New Zealand được hơn 8 năm và từng mua nhà ở xã hội. Khi tôi hỏi về thủ tục, bạn gửi cho tôi một đường link hướng dẫn: cụ thể và rõ ràng đến mức ai cũng hiểu được. Về tuổi và cư trú: trên 16 tuổi, có quốc tịch hoặc thường trú nhân trên hai năm; về thực trạng nhà ở: lần đầu mua nhà; về thu nhập: dưới 744,5 USD một tuần (sau thuế) nếu độc thân không có con; hoặc 1.145 USD một tuần (sau thuế) nếu có vợ/chồng hoặc con cái.
Với phương thức quản lý mới thông qua mã số định danh, việc xác minh các thông tin của công dân như tuổi, thu nhập (có phải nộp thuế thu nhập cá nhân hay không), tình trạng sở hữu nhà ở... có thể thực hiện dễ dàng và nhanh chóng. Vì vậy, việc Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ và Quốc hội tháo gỡ chính sách đối với người mua nhà ở xã hội theo hướng chỉ xét hai điều kiện - chưa sở hữu nhà ở và có thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân - là một bước tiến mang tính đột phá.
Đề án xây dựng một triệu căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030 sẽ hoàn thiện hơn nếu được tiến hành song song với việc đơn giản hóa thủ tục hành chính cho một triệu người mua nhà. Thay đổi tư duy quản lý là yếu tố then chốt. Thay vì liệt kê một danh sách dài các đối tượng được mua nhà kèm theo nhiều điều kiện khác, luật chỉ cần khống chế lại trong hai điều kiện. Suy cho cùng, yêu cầu liên quan đến hộ khẩu đã không còn phù hợp trong thời đại 4.0. Còn việc phân loại thành 10 đối tượng được hưởng chính sách, tưởng rất đầy đủ và chi tiết, nhưng rốt cuộc đã không bao phủ hết các trường hợp thực sự cần nhà ở trong thực tế.
Để sở hữu nhà ở thương mại, người lao động ước tính phải mất hàng chục năm dành dụm. Vì vậy, hàng triệu người yếu thế chỉ còn biết trông chờ vào chính sách nhà ở xã hội như phao cứu sinh duy nhất. Quy định về chính sách với người mua phải là hàng rào chặn người giàu trục lợi chứ không thể trở thành cánh cửa đóng kín với những người khốn khó trước cơ hội an cư.
Nguyễn Hoàng Nam