Phần bê tông và mảnh sắt phía dưới gần rơi khỏi mặt cầu, nhìn thấy khoảng sâu phía dưới, gây nguy hiểm cho người đi đường.
Ông Tạ Quang Sơn, Phó giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải (đơn vị quản lý và duy tu, bảo dưỡng cầu Long Biên), giải thích nguyên nhân là cầu khai thác đã 121 năm, các kết cấu thép bị rỉ, hao mòn tiết diện, nhiều tấm đan bị vỡ cộng thêm phương tiện chở nặng qua cầu. Ngoài ra, thời gian qua Hà Nội liên tục mưa, dẫn tới mặt đường bộ càng hỏng nhanh hơn.
Ngay khi phát hiện lỗ thủng, bộ phận thường trực tại cầu đã cảnh báo, phân luồng và lắp đặt tấm đan bê tông mới để phương tiện lưu thông. Việc sửa chữa khiến giao thông bị ùn khoảng 30 phút.
Theo ông Sơn, hồi đầu tháng 5, phần đường dành cho người đi bộ trên cầu Long Biên cũng xuất hiện lỗ thủng, gây nguy hiểm cho người đi đường. Đơn vị sau đó đã thay tấm đan mới.
Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, khởi công tháng 9/1898, do hãng Daydé-Pillié (Pháp) thiết kế và khánh thành năm 1902. Cầu dài 1.691 m, ban đầu là cầu dàn thép, đường sắt chạy ở giữa, hai bên dành cho phương tiện đường bộ.
Trong thời gian chiến tranh, cầu bị hư hỏng một số nhịp. Để đảm bảo giao thông, nhà nước đã gia cố tạm bằng các hệ dầm kỹ thuật. Giai đoạn 1995-2010, cầu Long Biên đã được gia cố sửa chữa với tổng mức đầu tư 116 tỷ đồng. Năm 2015, ngân sách Nhà nước chi 300 tỷ đồng để đại tu công trình.
Sáu năm qua, cầu chỉ được bảo dưỡng định kỳ, mỗi năm bốn lần, chủ yếu với đường sắt như cạo gỉ sắt, sơn lại, thay thế gia cố tà vẹt, ốc vít, vệ sinh cầu...
Hiện cầu Long Biên chỉ dành cho đường sắt, phần đường bộ dành cho xe máy và xe thô sơ. Ôtô không được qua cầu.
Võ Hải