Hôm rồi tôi đi nhà sách, thấy một mẫu bút viết thử rất ưng ý nhưng giá hơi đắt, tận 30 nghìn đồng nên không mua. Về nhà, trong lúc lướt mạng, tôi mở ứng dụng thương mại điện tử lên và tìm kiếm thử mẫu bút đó thì thật bất ngờ, giá rẻ hơn phân nửa, tôi đặt liền hai cây bút.
Đem câu chuyện này kể với một người bạn, bạn tôi cười và nói "sao lúa thế". Vài năm nay, trừ thực phẩm ăn liền gia đình bạn mới mua ở siêu thị, còn lại đều mua online, kể cả tủ lạnh, laptop. Bạn bật mí cho tôi: "Cứ ra showroom các cửa hàng vừa xem, vừa hưởng máy lạnh và nghe tư vấn thoải mái, sau đó về nhà đặt online, đừng ngại".
Tôi bày tỏ quan điểm không tin tưởng lắm, với tôi mua online các món hàng lặt vặt, giá trị dưới một triệu đồng thì được, còn trên phải cất công ra cửa hàng để lỡ có trục trặc còn bắt đền được. Bạn tôi thì nói bây giờ hàng online cũng có chế độ hậu mãi, bảo hành tốt rồi.
Nhưng từ lúc đó, mặt hàng nào tôi cũng so kè giá giữa mua online và offline và thấy giá online có phần dễ chịu hơn. Nếu có dịp săn sale hoặc voucher giảm giá thì cũng tiết kiệm được vài chục, vài trăm nghìn đồng. Mà bây giờ món hàng nào cũng có thể mua bán trực tuyến, từ đồ ăn vặt, đồ điện tử cho đến quần áo.
Nhược điểm của việc mua hàng online là không được cầm nắm trực tiếp sản phẩm và tốn thời gian chờ nhận hàng. Nhưng lại được bù đắp bằng: đọc bình luận, nhận xét của những người mua trước để tham khảo và nếu giá rẻ hơn mua trực tiếp, vài ngày chờ đợi là điều chấp nhận được.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, chi phí cho mặt bằng tại TP HCM và Hà Nội chiếm từ 30% đến 38% tổng doanh thu ngành bán lẻ, ngành ăn uống chiếm 30% ngân sách mở nhà hàng. Trong thời điểm buôn bán ế ấm, doanh thu giảm thì tiền thuê mặt bằng sẽ chiếm đến 70% chi phí gồng gánh của người kinh doanh.
Vài ngày qua, tôi thấy nhiều người nói về tình trạng mặt bằng, nhà mặt tiền cho thuê kinh doanh đóng cửa, treo biển nhiều. Tôi nghĩ biến động kinh tế hậu Covid-19, người dân siết chi tiêu chỉ là một phần vấn đề. Vấn đề to hơn là đang có sự dịch chuyển cơ cấu bán hàng cũng như thói quen mua hàng của người tiêu dùng. Mà, những mặt bằng đóng cửa trên có phi phí thuê quá cao, từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng một tháng.
Trong đầu người tiêu dùng sẽ nghĩ, tại sao phải trả tiền mắc hơn để "gánh" hộ tiền thuê mặt bằng cho người kinh doanh? Đã đến lúc các chủ mặt bằng cho thuê nhìn nhận lại và có động thái giảm giá, hỗ trợ người kinh doanh, vì thời thế đang thay đổi.
Lê Quang
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.