"Tôi xin kể câu chuyện thực tế ngay chỗ tôi ở, bên thuê mặt bằng đến hạn hết hợp đồng thuê nhà 30 triệu đồng một tháng. Người thuê muốn làm hợp đồng thêm nhưng giữ số tiền thuê như cũ và dự định và cải tạo thêm để kinh doanh.
Thế nhưng bên chủ nhà không đồng ý, họ đòi tăng giá thuê lên 35 triệu đồng một tháng, do nghĩ nhiều người cần thuê mặt bằng này. Vậy là bên thuê không ký tiếp hợp đồng nữa.
Đến giờ, hơn hai năm rồi, chủ nhà vẫn vào các nhóm mạng xã hội để đăng bài cho thuê mặt bằng. Thời gian 2 năm mất hơn 700 triệu đồng, chỉ để đòi tăng 5 triệu đồng mỗi tháng, bao giờ mới gỡ được số tiền này?".
Độc giả Tran Hoang kể câu chuyện chủ nhà đã thất thu 700 triệu đồng trong hai năm do mặt bằng bị bỏ trống, chỉ vì đòi tăng giá 5 triệu đồng mỗi tháng sau khi người thuê cũ hết hợp đồng.
Bình luận này được viết sau bài Mặt bằng tiền tỷ cho thuê ở TP HCM - gió đã đổi chiều. Trước tình cảnh buôn bán ế ẩm, dù đang trong giai đoạn cao điểm mua sắm cuối năm, nhiều độc giả cùng nhận định: Nếu chủ nhà không chia sẻ khó khăn với người thuê thì mặt bằng sẽ phải bỏ trống.
Cùng câu chuyện chủ nhà "tham bát bỏ mâm", độc giả nickname José_Mourinho chia sẻ câu chuyện:
"Bạn tôi thuê nhà nguyên căn với giá 75 triệu đồng một tháng, kinh doanh gần ba năm. Sau đó, chủ nhà đòi lên giá 90 triệu đồng một tháng. Tình hình kinh doanh khó khăn, trả 75 triệu đồng mỗi tháng đã rất mệt mỏi, bạn tôi thương lượng giữ nguyên hoặc bớt xuống 70 triệu đồng thì tiếp tục thuê.
Chủ nhà nghĩ bạn tôi đã đầu tư, trang trí hoành tráng chắc sẽ không dám bỏ nên quyết tăng giá. Ai dè bạn tôi bỏ thật. Bây giờ chỗ mặt bằng này treo bảng cho thuê 50 triệu đồng một tháng gần hai năm qua mà chẳng ai thuê.
Nói tham thì thâm hơi quá nhưng chủ nhà nên hiểu tình hình kinh tế khó khăn, thì nên chia sẻ giảm bớt gánh nặng với bên thuê vì họ có cơm thì ta mới có cháo được".
Độc giả Dân kết luận cho những trường hợp này: "Đòi tăng giá trong khi kinh doanh khó khăn, mặt bằng bỏ trống vài tháng là mất cục tiền. Rồi có khách mới thuê cũng chưa chắc đã được giá, lại lỗ kép.
Tôi có mấy nơi cho thuê, luôn giữ giá tốt và ổn định. Người thuê làm ăn được thì mình có tiền dài dài. Lộc bất tận hưởng và cả hai bên đều vui vẻ".
Là một người cho thuê nhà, độc giả tristan chia sẻ: "Nhà tôi lúc trước dịch Covid-19 cho thuê 150 triệu đồng một tháng, sau đó dịch bùng lên, tôi giảm xuống 120 triệu đồng mà mãi không tìm được khách, sau đó xuống giá 100 triệu đồng một tháng thì có người thuê ngay. Nếu tôi cứ neo giá 120 triệu đồng thì năm vừa rồi mất 1,2 tỷ đồng".
Cũng là một người cho thuê mặt bằng, độc giả Cải Vàng nói sẽ không vì lòng tham mà đánh mất khách hàng "tử tế":
"Tôi có một căn nhà cho thuê (nguyên căn) mà 10 năm nay không đổi giá và trong 10 năm cũng chỉ có hai gia đình thuê (gia đình thứ nhất thuê được bốn năm thì trả vì đã mua được nhà mới, gia đình thứ hai cũng đã mua được nhà nhưng lại cho thuê căn nhà mới mua, rồi vẫn thuê nhà của tôi để ở).
Tôi chẳng vì lòng tham trước mắt mà đánh mất đi những khách hàng tử tế của mình".
Trước tình trạng mâu thuẫn về giá cả giữa bên thuê và chủ mặt bằng kinh doanh, độc giả nickname saigon84 nhận định:
"Không phải giá trị mặt bằng yếu đi mà là thời đại số đã khiến mặt bằng không còn nhiều chỗ để dùng.
Mua bán ngày nay, giá trị giao dịch qua online đã lên con số gấp nhiều lần so với cửa hàng truyền thống, nên chuyện mặt bằng cũng không quá quan trọng như trước. Nhiều công ty hiện nay đã có một mặt bằng tiện lợi và đỡ tốn kém hơn đó là sàn online, web mua bán và các nền tảng mua bán trực tuyến là đủ".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.